Giải ngân - nhìn từ điểm sáng Gò Vấp
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa có thư khen, biểu dương 6 quận, 2 huyện của thành phố giải ngân đầu tư công đạt hơn 80%. Điển hình là quận Gò Vấp đã giải ngân đạt 99% tổng số vốn được giao. Phương pháp và hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công ở quận Gò Vấp là điểm sáng, điển hình để các địa phương khác tham khảo, học tập trong bối cảnh khó khăn chung.
Trong số các dự án giải ngân tốt trên địa bàn quận Gò Vấp, tiêu biểu là dự án nâng cấp đường Dương Quảng Hàm có tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng; trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 1.500 tỷ đồng. Dự án này ảnh hưởng đến 425 hộ dân, có 366 trường hợp giải tỏa một phần, 56 trường hợp giải tỏa toàn bộ và 3 lô cốt. Giống như nhiều dự án nâng cấp hạ tầng giao thông khác trên địa bàn thành phố, dự án nâng cấp đường Dương Quảng Hàm gặp nhiều khó khăn; khó nhất vẫn là công tác vận động các hộ dân đồng tình để nhận bồi thường, bàn giao mặt bằng sớm.
Tuy nhiên, đây lại là dự án có công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư "thần tốc" của thành phố. 4 tháng sau khi UBND quận Gò Vấp ban hành quyết định về phê duyệt bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, được sự đồng thuận của người dân, đến nay dự án được giải ngân hơn 1.500 tỷ đồng, đạt 99%. Hiện, Ban Quản lý dự án các công trình giao thông đang triển khai thi công trên mặt bằng nhận bàn giao. Dự kiến công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng vào quý IV-2025. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại dự án này là một trong những yếu tố quan trọng giúp quận Gò Vấp cán mốc tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tốt nhất thành phố hiện nay.
Dự án mở rộng đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp giải tỏa đền bù thần tốc chỉ trong 4 tháng. Ảnh: Baoxaydung.vn |
Để có được kết quả tích cực trên, lãnh đạo UBND quận Gò Vấp đã chỉ đạo từng cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công chi tiết, xác định rõ mục tiêu, phân công phụ trách, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị với yêu cầu tiến độ cụ thể. Ban Thường vụ Quận ủy, UBND quận duy trì giao ban hằng tuần để theo dõi, đánh giá kết quả tổ chức, phối hợp thực hiện.
Trong quá trình vận động khi còn nhiều ý kiến chưa đồng tình, lãnh đạo quận trực tiếp lắng nghe, gặp gỡ, đối thoại với người dân để ghi nhận, giải thích và tiếp tục rà soát, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, xem xét giải quyết, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Từng trường hợp tổ chức, hộ gia đình bị ảnh hưởng trong dự án được các cơ quan chuyên môn làm việc, xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo. Các trường hợp tích cực, hợp tác và chủ động bàn giao mặt bằng được chính quyền biểu dương, tặng giấy khen, thư cảm ơn. Chính sách phê duyệt giá bồi thường tốt và các chính sách hỗ trợ khác cũng là yếu tố quan trọng quyết định, tạo sự đồng tình, ủng hộ của các hộ dân, để họ ổn định cuộc sống bằng hoặc tốt hơn sau khi thực hiện dự án...
Tình trạng “có tiền mà lại không tiêu được” đang diễn ra ở nhiều địa phương về đầu tư công. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy giải ngân; tuy nhiên, tiến độ giải ngân ở nhiều nơi vẫn rất chậm. Điều đáng nói là, cùng một cơ chế, chính sách nhưng có địa phương giải ngân tốt, có địa phương tỷ lệ giải ngân lại rất thấp. Từ cách làm của quận Gò Vấp cho thấy, mấu chốt vấn đề đều nằm ở yếu tố chủ quan. Cần lắm những "đầu tàu" cán bộ thể hiện rõ phong cách dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm... để giải phóng sức ì trong nhiều phân khúc của hệ thống chính trị các cấp hiện nay.
MINH NGÂN