• :
  • :

EU kêu gọi cải cách quy chế tị nạn

Theo AP, tính đến ngày 27-2, lực lượng cứu hộ Italy đã vớt được tổng cộng 60 thi thể nạn nhân trong vụ chìm thuyền chở người di cư ở miền Nam nước này.

Hiện công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn đang được tiến hành. Một số nguồn tin cho rằng, số người thiệt mạng có thể còn tăng thêm.

Sau vụ việc đáng tiếc kể trên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã kêu gọi đẩy nhanh cải cách các quy tắc tị nạn của Liên minh châu Âu (EU) vốn đang bị đình trệ.

Trong một tuyên bố, bà Ursula von der Leyen gọi vụ chìm thuyền chở người di cư ngoài khơi Italy là một thảm kịch, đồng thời nhấn mạnh EU phải “tăng gấp đôi nỗ lực của mình đối với Hiệp ước về di cư và tị nạn cũng như Kế hoạch hành động ở Trung Địa Trung Hải”.

Trước đó, chiếc thuyền gỗ khởi hành từ Thổ Nhĩ Kỳ chở người di cư từ Afghanistan, Pakistan và một số quốc gia khác, đã gặp nạn và chìm trong vùng biển động ngoài khơi bờ biển vùng Calabria, miền Nam Italy, sáng 26-2. Những người sống sót cho biết, vào thời điểm gặp nạn, thuyền chở khoảng 170 người.

Lực lượng cứu hộ tìm thấy một thi thể trong vụ chìm thuyền chở người di cư ở bờ biển phía Nam Italy. Ảnh: AP 

Ông Giuseppe Larosa thuộc lực lượng cứu hộ Italy mô tả, khi đội cứu hộ đầu tiên đến hiện trường, đập vào mắt họ là rất nhiều thi thể với những vết trầy xước khắp người, như thể họ đã cố gắng bám vào những mảnh vỡ của tàu để tự cứu mình. “Đó là một cảnh ớn lạnh. Các thi thể nằm rải rác trên bãi biển, rất nhiều thi thể, trong đó có cả trẻ em”, ông Giuseppe Larosa nói với AP.

Trong nhiều năm gần đây, Italy là một trong những điểm đến hàng đầu của những người di cư trước khi họ tìm đường sang các nước châu Âu khác. Tuyến di cư miền Trung Địa Trung Hải được biết đến là một trong những tuyến đường di cư nguy hiểm nhất thế giới. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), 20.333 người đã thiệt mạng hoặc mất tích tại khu vực này kể từ năm 2014.

Bày tỏ sự đau buồn sâu sắc trước vụ việc, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã cam kết sẽ ngăn chặn nạn di cư trên biển để tránh xảy ra nhiều thảm kịch hơn. Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Italy viết: "Thủ tướng Meloni bày tỏ sự đau buồn sâu sắc của mình trước việc nhiều người bị thiệt mạng do những kẻ buôn người. Chính phủ cam kết ngăn chặn những cuộc di cư, cùng với chúng là những bi kịch như thế này và sẽ tiếp tục làm như vậy, trước hết bằng cách yêu cầu sự hợp tác tối đa của các quốc gia mà người di cư khởi hành”.

Italy từng nhiều lần phản ứng gay gắt trước việc các quốc gia thành viên EU chần chừ không tiếp nhận người di cư. Các nước châu Âu đã nhất trí về một cơ chế phân bổ người tị nạn để giảm tải cho các nước Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp, Cyprus và Malta, là nơi dòng người tị nạn xâm nhập châu Âu. Cơ chế đó khuyến khích các nước thành viên EU tự nguyện nhận về một số lượng người nhất định, nước nào không muốn nhận người thì phải đóng góp bằng tiền. Nhưng cơ chế đó chưa có dịp triển khai thì xảy ra đại dịch Covid-19, dòng di cư sụt giảm.

Từ mấy tháng nay, cảnh người tị nạn dồn đến Italy tái diễn, các trại tiếp nhận quá tải, cho thấy cơ chế tự nguyện đó có thể có tác dụng nếu có nhiều thời gian chứ không thể đáp ứng tình huống khẩn cấp. Dữ liệu của Bộ Nội vụ Italy cho thấy, 13.067 người di cư bằng thuyền đã đến Italy trong khoảng thời gian từ ngày 1-1 đến 23-2, tăng mạnh so với 5.273 người trong cùng giai đoạn của năm 2022.

Giới chức châu Âu cảnh báo, dòng người di cư trái phép tới châu Âu còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Giữa lúc hàng loạt khó khăn bủa vây như lạm phát tăng cao, khan hiếm năng lượng, đời sống người dân bấp bênh, giới lãnh đạo EU phải tiếp tục đau đầu xử lý hệ lụy của cuộc khủng hoảng di cư, nhất là những áp lực về mặt an ninh và an sinh xã hội.

HÙNG HÀ

Tags: tị nạn
Lượt xem: 13
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết