• :
  • :

Đức khẳng định sẵn sàng kịch bản thay thế khí đốt Nga

Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây tiếp tục nhấn mạnh, nước này sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt vì cuộc xung đột tại Ukraine.

Bloomberg đưa tin, ngày 10-9, trong một thông điệp ngắn gửi người dân Đức, Thủ tướng Scholz nêu rõ, chính quyền Berlin đã chuẩn bị các giải pháp thay thế cho khí đốt Nga, bao gồm việc thúc đẩy xây dựng các cơ sở tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở bờ biển phía Bắc nước này để nhập khẩu khí đốt từ các nguồn khác nhau. Người đứng đầu Chính phủ Đức kêu gọi sự chung tay từ người dân và khẳng định sẽ làm được điều này. “Chúng ta đã tiết kiệm khí đốt và một lần nữa tận dụng năng lực sản xuất của các nhà máy điện than. Đầu năm tới, chúng ta sẽ có thể dùng đến các nhà máy điện nguyên tử ở phía Nam đất nước nếu cần thiết”, Bloomberg dẫn lời Thủ tướng Đức nêu rõ.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Kyodo News 

Cuộc khủng hoảng khí đốt tại Liên minh châu Âu (EU) gia tăng kể từ tuần trước, khi Tập đoàn Gazprom của Nga tuyên bố ngừng dòng khí đốt đến Đức qua đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) “vô thời hạn”, sau nhiều tháng giảm nguồn cung, với lý do lỗi kỹ thuật và khó khăn trong việc sửa chữa các turbine do Đức sản xuất ở Canada. Hiện nguồn cung khí đốt của Nga tới EU vẫn được tiếp tục qua ngả Ukraine nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ so với mức trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Riêng tại Đức-quốc gia phụ thuộc lớn vào khí đốt Nga-chính quyền nước này đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp tiết kiệm khí đốt, kéo dài hoạt động các nhà máy điện than, nghiên cứu kéo dài hoạt động các nhà máy điện hạt nhân còn lại nếu cần thiết, đồng thời cung cấp những gói hỗ trợ toàn diện cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nhiên liệu vẫn rất trầm trọng. Thời gian qua, hai “gã khổng lồ” nhập khẩu khí đốt của Đức là VNG và Uniper cũng buộc phải yêu cầu gói cứu trợ từ chính phủ do gánh chịu tổn thất nặng nề vì lượng giao hàng từ Gazprom giảm mạnh.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy, kinh tế Đức không tăng trưởng trong quý II so với quý I-2022. Trong khi đó, Cơ quan thống kê Liên bang Đức cho biết, giá tiêu dùng đã tăng 7,9% trong tháng 8-2022, cao hơn so với mức 7,5% trong tháng trước đó, chủ yếu do giá năng lượng tăng cao. Trong đó, giá điện gia dụng và nhiên liệu tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng 35,6% trong năm tính đến tháng 8. Thậm chí, Ngân hàng Trung ương Đức còn dự báo tỷ lệ lạm phát có thể sẽ tăng tới 10% trong những tháng tới do thiếu năng lượng. Trong lịch sử nước Đức, tỷ lệ lạm phát hai con số được ghi nhận lần gần nhất là cách đây hơn 70 năm.  

Trước đó, Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức thông báo, các cơ sở lưu trữ khí đốt của nước này hiện đã được lấp đầy khoảng 87%, đồng thời mỗi ngày, khối lượng dự trữ tăng thêm khoảng 0,5%, qua đó khẳng định Đức sẽ đạt mục tiêu dự trữ 95% vào ngày 1-11 tới. Dẫu vậy, người đứng đầu Cơ quan năng lượng Liên bang Đức Klaus Mueller từng khuyến nghị chính phủ cần sớm đưa ra giải pháp bởi ngay cả con số trên cũng chỉ đủ cho hai tháng sử dụng trung bình. Ngoài ra, trong trường hợp xấu nhất, các chuyên gia còn nhận định nước này có thể phải áp dụng chế độ phân phối khí đốt trong mùa đông. Theo ước tính của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), việc phân phối năng lượng có thể đồng nghĩa với việc Đức sẽ mất đi 65% ngành công nghiệp của mình.

Liên quan đến tình hình tại Ukraine, hãng thông tấn TASS dẫn lời lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Denis Pushilin ngày 11-9 cho biết, tình hình tại đây khá căng thẳng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Theo ông Pushilin, các lực lượng thuộc DPR đã phá hủy một sở chỉ huy của quân đội Ukraine ở Dobrovolye và một số thiết bị quân sự gần Uglegorsk; cũng như khẳng định phía DPR vẫn đang kiểm soát sân bay tại đây và bác bỏ một số báo cáo rằng lực lượng của Kiev đã chiếm được sân bay này. Trước đó, cũng theo TASS, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov tuyên bố, quân đội Nga đã sử dụng vũ khí chính xác để tấn công 7 sở chỉ huy của lực lượng vũ trang Ukraine ở DPR và vùng Nikolayev cũng như hàng chục đơn vị pháo binh của quân đội Ukraine. Ngoài ra, các đơn vị Nga đóng tại Balakleya và Izyum đã được tập hợp lại và tái triển khai tới hướng Donetsk.

VĂN HIẾU

Tags: Nga
Lượt xem: 80
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết