• :
  • :

Đón em bé thứ 200 ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm

Ngày 9-9, các bác sĩ Khoa Sản 3 (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ) thông tin, bệnh viện vừa chào đón em bé thứ 200 ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), đánh dấu một mốc son trong hành trình 2 năm triển khai kỹ thuật này tại bệnh viện.

Bé trai chào đời khỏe mạnh bằng phương pháp sinh mổ ở tuần thai thứ 40, nặng 3,5 kg là “trái ngọt” của hành trình tìm con vất vả gần chục năm trời của vợ chồng chị H.T.H (39 tuổi, trú tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ). Chị H. sinh bé đầu lòng vào năm 2010. 4 năm sau đó, vì muốn sinh thêm một bé nữa nhưng chờ mãi mà chưa thấy có tin vui nên vợ chồng chị đã tìm đến thăm khám tại một bệnh viện hiếm muộn ở Hà Nội và được chẩn đoán vô sinh thứ phát.

Tuy nhiên thời điểm đó kinh tế gia đình còn khó khăn, việc chạy chữa cũng vì thế mà đứt đoạn. Cuối năm 2021, khi biết Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã triển khai kỹ thuật IVF với tỉ lệ thành công khá cao và nhận được nhiều phản hồi tích cực của người bệnh, chị H. quyết định chọn đây là “điểm dừng chân”. Sau bao mòn mỏi, nỗ lực, cố gắng, lần này hạnh phúc thực sự đã đến khi chị có thai ngay ở lần chuyển phôi đầu tiên.

Các bác sĩ chúc mừng mẹ con sản phụ H

Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được triển khai tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ từ 7-2020. Đến nay, sau hơn 2 năm ứng dụng kỹ thuật này, Trung tâm đã thực hiện khám và tư vấn cho hơn 60.000 lượt người bệnh, đã có hơn 900 ca làm IVF, trong đó số ca có thai là 476 ca, tỉ lệ thành công sau chuyển phôi đạt 52,8% - tương đương với các trung tâm sinh sản có tỉ lệ thành công cao trên thế giới. Tháng 5-2021 đánh dấu cột mốc em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên của bệnh viện chào đời.

Đến tháng 9-2022 đã có 200 em bé ra đời khỏe mạnh bằng phương pháp này. Ngoài ra, kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) được triển khai từ năm 2016 đến nay cũng đã giúp cho gần 700 gia đình hiếm muộn có được hạnh phúc làm cha mẹ.

Trung tâm cũng đã triển khai được các kỹ thuật cao như tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), lấy tinh trùng từ mào tinh (PESA), phẫu thuật tìm tinh trùng từ mô tinh hoàn, hỗ trợ thoát màng, chuyển phôi đông lạnh, sinh thiết phôi chẩn đoán di truyền tiền làm tổ PGT… Thời gian tới, đội ngũ y, bác sĩ của trung tâm tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa, đặc biệt là tăng cường giao lưu, học hỏi các phương pháp mới trong điều trị vô sinh, hiếm muộn, nhằm mang lại niềm hy vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.

Tin, ảnh: HÀ NGUYỆT