• :
  • :

Đồng bằng sông Cửu Long: Nhiều biện pháp ứng phó với “giặc lửa”

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 347.500ha rừng các loại. Trong thời điểm nắng nóng kéo dài, gay gắt, để giữ “lá phổi xanh”, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đang tăng cường người và phương tiện ngày đêm căng mình chống “giặc lửa”.

3 tháng hơn 10 vụ cháy rừng

Từ đầu mùa khô đến nay, tuy có xuất hiện vài trận mưa trái mùa nhưng tình hình nắng nóng ở ĐBSCL vẫn luôn diễn ra gay gắt, có thời điểm nhiệt độ ngoài trời lên đến 36-37oC. Như một quy luật khắc nghiệt, cứ vào mùa khô, nạn cháy rừng lại diễn ra liên tiếp hết điểm này đến điểm khác khiến nhiều diện tích rừng ở các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL bị thiêu rụi. Cụ thể, vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 30-3-2023, một vụ cháy rừng đã xảy ra tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp thuộc xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp khiến 7,7ha rừng tràm bị thiêu rụi. Cũng trong tháng 3, tại Kiên Giang, do người dân vào rừng săn bắt ong vô tình gây ra đám cháy làm 1,2ha rừng thuộc địa phận quản lý của Sư đoàn 4, Quân khu 9 bị ảnh hưởng.

Còn tại An Giang, tuy mới đầu mùa khô nhưng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ cháy với diện tích 5,79ha. Trong đó, cháy rừng xảy ra ở khu vực đồi núi 9 vụ; khu vực rừng tràm đồng bằng 3 vụ. Các vụ cháy gây thiệt hại 1,95ha rừng tràm và một số cây ăn quả trên khu vực đê bao. Theo Chi cục Kiểm lâm An Giang, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là gần 16.920ha. Mùa khô hạn 2023, tỉnh đã khoanh vùng trọng điểm có nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng với diện tích gần 7.370ha. Trong đó, huyện Tịnh Biên có nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng với diện tích 2.912ha; huyện Tri Tôn với diện tích hơn 4.000ha có nguy cơ cháy cao...

3 tháng đầu năm, vùng ĐBSCL xảy ra hơn 10 vụ cháy rừng. Dù thiệt hại không lớn nhưng cho thấy nguy cơ đối với các diện tích rừng là rất cao. Nguyên nhân khách quan được cho là do biến đổi khí hậu và các yếu tố bất thường của thời tiết đã khiến mùa khô ở miền Tây Nam Bộ trở nên gay gắt, khắc nghiệt và khó dự đoán hơn trước. Bên cạnh yếu tố thời tiết, yếu tố con người và hoạt động sản xuất, phòng, chống cháy đóng vai trò hết sức quan trọng, có thể nói là then chốt trong cuộc chiến với “giặc lửa”. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những khó khăn mà lực lượng quản lý rừng gặp phải. Bởi diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất nằm gần hoặc đan xen với đất sản xuất lúa của người dân. Thông thường sau khi thu hoạch lúa, người dân đốt rơm, rạ, cỏ để vệ sinh đồng ruộng, rất dễ gây cháy lan vào diện tích rừng.

Diễn tập chữa cháy tại rừng đặc dụng Vườn chim Bạc Liêu. Ảnh: HỮU THỌ 

Điển hình như vụ cháy ở khu vực rừng tràm (diện tích khoảng 5ha) thuộc ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Gia (Tri Tôn, An Giang) xảy ra lúc 16 giờ 30 phút ngày 10-3. Nguyên nhân cháy ban đầu được xác định do một số người dân làm ruộng gần rừng tràm đốt gốc rạ làm cháy lan ra. Ngay khi vụ cháy xảy ra, Đồn Biên phòng Vĩnh Gia đã huy động 20 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với dân quân, công an xã Vĩnh Gia tổ chức chữa cháy. Sau hai giờ, lực lượng chức năng đã khống chế và dập tắt đám cháy hoàn toàn. Tuy nhiên, vụ cháy đã làm thiệt hại 2,5ha rừng tràm. Ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm An Giang cho biết: “Phần lớn diện tích rừng ở ĐBSCL là rừng tràm. Mùa này là giai đoạn cây rừng thay lá, lớp thực bì dày, cỏ cây khô giòn, chỉ cần một sơ suất nhỏ trong sử dụng lửa như đốt rẫy, hun khói lấy mật ong hay một tàn thuốc lá cũng có thể châm ngòi thành đám cháy lớn, cộng thêm nắng nhiều, độ ẩm rất thấp, cháy sẽ lan nhanh, thậm chí có thể bốc lên cao khi có thêm yếu tố gió, khiến cho việc dập lửa trở nên khó khăn”.

Nhiều phương án "canh lửa"

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa khô ở Nam Bộ năm nay có diễn biến bất thường. Cao điểm mùa khô mưa ít hơn 40-80% so với cùng kỳ năm 2022. Khô hạn ở các cánh rừng cũng sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Từ nay đến tháng 5, thời tiết Nam Bộ tiếp tục có nhiều đợt nắng nóng, độ ẩm thấp.

Nắng nóng kéo dài khiến hơn 8.500ha rừng tại Vườn quốc gia U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang được cảnh báo cháy ở cấp độ V (cực kỳ nguy hiểm). Phó giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng Trần Văn Thắng cho biết, đặc điểm của Vườn quốc gia U Minh Thượng là rừng tràm phát triển trên đất than bùn có độ dày 0,3-1,2m, nguồn vật liệu cháy khô được tích tụ qua nhiều năm có độ dày trung bình 50cm, khối lượng trung bình 19,3 tấn/ha.

Năm 2022, lượng mưa trên địa bàn thấp hơn trung bình các năm trước nên nguồn nước duy trì độ ẩm cho rừng trong mùa khô bị thiếu hụt. Để bảo vệ rừng, từ đầu năm 2023 đến nay, Vườn quốc gia U Minh Thượng đã thành lập 4 đội phòng cháy, chữa cháy rừng. Mỗi đội có 15 người, được phân công ứng trực ở những điểm có nguy cơ cháy cao. Mặt khác, đơn vị duy trì 9 trạm quản lý, bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi vi phạm, phòng cháy, chữa cháy rừng.

“Từ năm 2022, chúng tôi đã gia cố 6 cống điều tiết nước, khởi động 2 trạm bơm để chủ động bơm nước bổ sung nhằm phòng cháy, chữa cháy rừng khi cần thiết. Đơn vị bảo trì, sửa chữa, vận hành 13 máy chữa cháy chuyên dùng, 10 vỏ máy... Đồng thời, triển khai dọn 65km thực vật trôi nổi trên các tuyến kênh chính; phát dọn 58km đường tuần tra bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng”, ông Trần Văn Thắng cho biết.

Hơn 3 tháng qua, tình trạng hạn hán khốc liệt không chỉ xảy ra ở những cánh rừng trong đất liền mà ở ngoài xa khơi, diện tích rừng tại cụm đảo Hòn Khoai-Hòn Chuối (Cà Mau) do Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai quản lý cũng đối mặt với nguy cơ cháy ở cấp cao nhất. Khô hạn đang ở tình trạng gay gắt nhất nên các tuyến đường dẫn lên đảo đều đặt những biển báo cấm lửa, bảng cảnh báo nguy cơ cháy rừng. 

Ông Nguyễn Thanh Bình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai cho biết: “Bên cạnh tăng cường công tác phối hợp tuần tra kết hợp tuyên truyền giữa các lực lượng đứng chân trên đảo bằng đường bộ thì việc tuần tra trên biển cũng được thực hiện thường xuyên hơn, nhằm kiểm soát chặt tình hình, không cho bất cứ người dân nào lên đảo tác động dẫn đến gây cháy. Cùng với đó, đơn vị phối hợp với Chi cục Kiểm lâm và Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Cà Mau trang bị kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng, thực hành thao tác chữa cháy rừng cho các lực lượng đứng chân trên đảo nhằm chủ động ứng phó nhanh, kịp thời khi có các tình huống xảy ra”.

Để bảo vệ rừng trước “giặc lửa”, các địa phương vùng ĐBSCL như: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu còn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân vùng đệm cùng tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái và động vật sống dưới tán rừng. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Song song đó còn đưa vào vận hành hệ thống camera giám sát để kịp thời phát hiện và truyền tín hiệu về trung tâm kiểm soát phòng cháy, chữa cháy rừng thông qua hệ thống âm thanh, còi báo động. Hệ thống này đi vào hoạt động sẽ góp phần tích cực trong việc phát hiện kịp thời điểm phát lửa ở nơi xa, bảo vệ an toàn cho khu vực rừng nguy cơ cháy cao.

THÚY AN

Tags: giặc lửa
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...