Điểm sáng mới của Thủ tướng Anh
Thỏa thuận mới về các quy tắc thương mại thời hậu Brexit cho Bắc Ireland mang tên Khuôn khổ Windsor giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU) được coi là một thành công đáng kể đối với Thủ tướng Anh Rishi Sunak.
Vừa qua, Thủ tướng Rishi Sunak và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nhất trí về Khuôn khổ Windsor nhằm thay thế Nghị định thư Bắc Ireland sau hơn một năm đàm phán căng thẳng, được kỳ vọng sẽ mở ra một khởi đầu của chương mới trong quan hệ Anh-EU. Giao thức mới sẽ giải quyết những mâu thuẫn, căng thẳng do việc thực thi các thỏa thuận hậu Brexit năm 2020 đối với vùng Bắc Ireland của Anh và duy trì biên giới mở của nước này với Ireland-một quốc gia thành viên của EU.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại họp báo công bố Khuôn khổ Windsor ở London. Ảnh: Bloomberg |
Theo nội dung được công bố, Khuôn khổ Windsor dự kiến giảm bớt việc kiểm tra thực tế đối với hàng hóa vận chuyển từ Anh đến Bắc Ireland và giúp các nhà lập pháp của Bắc Ireland có quyền quyết định đối với một số quy tắc thương mại mà EU áp đặt lên vùng này theo các điều khoản của thỏa thuận Brexit. Chính quyền London cũng có thể đặt ra một số quy định về thuế và viện trợ nhà nước.
Một chi tiết rất quan trọng khác là thỏa thuận mới đề ra cơ chế “phanh khẩn cấp” mang tính thỏa hiệp, trong đó cho phép Anh đình chỉ mọi điều luật mà EU áp dụng tại Bắc Ireland nếu như các đảng phái chính trị ở vùng này phản đối. AFP dẫn lời Thủ tướng Anh nhấn mạnh, các chi tiết trên đều hết sức quan trọng trong việc vừa duy trì được tiến trình hòa bình trên đảo Ireland, vừa bảo vệ được lợi ích của Bắc Ireland cũng như thị trường nội địa Anh.
Trên thực tế, vấn đề Bắc Ireland luôn là một trong những điểm gây tranh cãi nhất liên quan đến Brexit. Nghị định thư trước đây thống nhất rằng Bắc Ireland vẫn được giữ lại trong thị trường chung châu Âu nhưng EU có quyền kiểm soát hàng hóa từ Anh đến Bắc Ireland, đồng thời, một đường biên giới trên Biển Ireland cũng được thiết lập.
Tuy nhiên, Chính phủ Anh và các đảng phái theo chủ trương hợp nhất Bắc Ireland với Anh, bao gồm Đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP) ngày càng phản đối quyết liệt điều khoản trên, cho rằng như thế là đánh mất chủ quyền của London tại Bắc Ireland và chia cắt Bắc Ireland với nước này. Dưới thời cựu Thủ tướng Boris Johnson, London từng đe dọa đơn phương viết lại thỏa thuận trừ khi EU đồng ý thay đổi toàn bộ, làm xấu đi quan hệ ngoại giao Anh-EU và có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến thương mại rộng lớn hơn giữa các bên.
Khả năng Khuôn khổ Windsor được thông qua là tương đối lớn bởi lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer tuyên bố ủng hộ thỏa thuận mới vì nó bảo vệ được lợi ích căn bản của Bắc Ireland, dù chưa hoàn hảo. Ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, Thủ tướng Anh đã đến thủ phủ Belfast của Bắc Ireland để thông báo với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp địa phương.
Như vậy, nỗi lo lớn nhất với Thủ tướng Rishi Sunak sẽ đến từ sự phản đối của nhóm nghị sĩ theo đường lối Brexit cứng rắn trong chính nội bộ Đảng Bảo thủ cầm quyền, những người vẫn luôn cho rằng ông Sunak chấp nhận nhượng bộ EU trong vấn đề Bắc Ireland để đổi lại một mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Brussels sau các khó khăn do Brexit gây ra.
Có thể nói, việc đạt được thỏa thuận với EU đánh dấu một điểm sáng mới của Thủ tướng Rishi Sunak chỉ chưa đầy nửa năm sau khi nhậm chức, góp phần nâng cao vị thế của ông trong Đảng Bảo thủ cầm quyền cũng như cử tri Anh, đồng thời thay đổi quan điểm rằng chính phủ hiện tại không có khả năng thực hiện những cải cách cần thiết hoặc lâu dài. Theo Reuters, Đảng Bảo thủ gần đây bị Công đảng bỏ xa trong các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào năm sau.
Ngay cả khi phải đối mặt với khó khăn ở quê nhà, Thủ tướng Anh vẫn đang đi đúng hướng trên con đường tìm kiếm một mối quan hệ mang tính xây dựng của London với Brussels, vốn bị thử thách nghiêm trọng trong “cuộc ly hôn” Brexit. Ông Rishi Sunak đã giành được thành công bước đầu ở nơi mà những người tiền nhiệm của mình thất bại.
VĂN HIẾU