Đại biểu Quốc hội: Hàng chục triệu xe máy đang lưu hành cần được kiểm định an toàn kỹ thuật
Ngày 27-3, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, hội nghị thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tham gia ý kiến vào dự thảo luật, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) đề nghị cần quan tâm đến vấn đề bảo đảm an toàn kỹ thuật của mô tô, xe gắn máy. Theo đại biểu Đồng Ngọc Ba, hiện nay nước ta có khoảng 70 triệu xe máy, mỗi ngày thêm hàng nghìn xe. Đáng quan ngại là có khoảng 60% vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy, do vậy, cần có giải pháp mới để bảo đảm an toàn kỹ thuật cho xe máy khi lưu hành trên đường.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba cho biết, Luật Giao thông đường bộ hiện hành có quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật xe máy nhưng mới dừng lại ở khâu lắp ráp, sản xuất, nhập khẩu còn khi xe máy đi vào lưu hành chưa có giải pháp bảo đảm an toàn kỹ thuật. Hiện nay có thể có hàng triệu xe máy không bảo đảm an toàn kỹ thuật vẫn lưu hành trên đường. Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang quy định theo hướng kiểm định khí thải của xe máy, trong khi vấn đề bức xúc hiện nay là an toàn kỹ thuật xe máy thì chưa có giải pháp. Đại biểu đề nghị cần có giải pháp hậu kiểm kỹ thuật đối với xe máy đang lưu hành, ưu tiên kiểm định kỹ thuật trước khi kiểm định khí thải.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành hội nghị. |
Nhiều đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến liên quan đến quy định về cấm người điều khiển mô tô, xe gắn máy mà trong máu, khí thở có nồng độ cồn. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho biết, theo báo cáo giải trình việc cấm hành vi này nhằm mục đích phòng ngừa, giảm rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do lạm dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm tán thành với phương án quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện mà trong máu, khí thở có nồng độ cồn, kế thừa quy định tại Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần có đánh giá tác động sâu hơn, toàn diện hơn, các số liệu chứng minh về việc không nên đưa ra ngưỡng giới hạn về nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) đánh giá, thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm minh với người vi phạm, không có vùng cấm, ngoại lệ, góp phần quan trọng kéo giảm tai nạn giao thông. Bước đầu hình thành văn hóa đã uống rượu bia không lái xe. Việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, bảo vệ cho chính người tham gia giao thông.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5. |
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị nên quy định như tại Luật Giao thông đường bộ hiện hành, tức là có ngưỡng giới hạn về nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông, nếu vượt qua ngưỡng này sẽ bị xử lý vi phạm. Theo đại biểu, nếu quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông sẽ khó khả thi. Đại biểu bày tỏ đồng tình, ủng hộ quy định đã uống rượu bia thì không lái xe nhưng có trường hợp sử dụng rượu, bia từ ngày hôm trước, đến ngày hôm sau mặc dù đã tỉnh táo nhưng vẫn còn nồng độ cồn, theo quy định vẫn bị xử phạt.
Đối với quy định về đấu giá biển số xe, đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất với dự thảo luật bởi qua triển khai thí điểm cho thấy việc đấu giá mang lại hiệu quả cao. Đại biểu đề nghị, vì biển số xe là tài sản công nên có thể nghiên cứu quy định nội dung này trong Luật Đấu giá tài sản sẽ phù hợp hơn. Đại biểu cũng ủng hộ quy định về trừ điểm giấy phép lái xe thay vì tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể, rạch ròi về các trường hợp bị trừ điểm tương ứng với số điểm bị trừ, tránh quy định bị lạm dụng.
MẠNH HƯNG