• :
  • :

Công tác phòng, chống tham nhũng của Công an Hà Nội: Giữ vững niềm tin trong nhân dân

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Công an thành phố Hà Nội vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023. Đại tá Phạm Thanh Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an Thành phố, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm chống lãng phí Công an Thành phố, dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Những kết quả đáng ghi nhận

Năm 2023, Công an Thành phố đã tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Thành ủy, UBND Thành phố. Các biện pháp phòng chống tham nhũng trong nội bộ tiếp tục tiến hành đồng bộ, quyết liệt.

Chỉ huy các cấp trong Công an Thành phố luôn gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; nêu cao tính chủ động, phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng.

Đảng ủy, lãnh đạo Công an Thành phố đã có nhiều đổi mới về phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo và chủ động nêu gương, thường xuyên, liên tục, thực chất, không hình thức. Do vậy, công tác phòng, chống tham nhũng của Công an Thành phố đã có sự chuyển biến rõ nét trên cả 2 lĩnh vực: Đấu tranh phòng chống tham nhũng ngoài xã hội và phòng, chống tham nhũng trong nội bộ Công an Thành phố.

Kết quả đó đã đóng góp trực tiếp giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng của thành phố Hà Nội và xây dựng Đảng bộ Công an Thành phố trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ.

Công tác phòng, chống tham nhũng của Công an Hà Nội: Giữ vững niềm tin trong nhân dân
Toàn cảnh hội nghị

Trong năm 2023, Cơ quan điều tra các cấp của Công an Thành phố đã khởi tố mới 72 vụ với 300 bị can (tăng 211% so với năm 2022). Công an Thành phố có nhiều kiến nghị đối với các ban ngành khắc phục sơ hở, thiếu sót, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Công an Thành phố đã thực hiện có hiệu quả công tác tham mưu với Thành ủy, UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Thành ủy trong chỉ đạo giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Thành phố và Trung ương theo dõi...

Qua đó tiếp tục khẳng định quyết tâm cao của Đảng ủy, lãnh đạo Công an Thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các đơn vị có chức năng đấu tranh trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giữ vững niềm tin trong nhân dân.

Đối với công tác phòng chống tham nhũng nội bộ: Công an Thành phố đã chủ động thực hiện tốt các biện pháp như tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng; công khai, minh bạch trong công tác tổ chức, quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, quản lý, đầu tư xây dựng và công tác quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước; chủ động rà soát, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức phù hợp với chế độ, chính sách của Nhà nước và đặc thù Công an Thành phố; chuyển đổi vị trí công tác; công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí làm cơ sở cho phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nổi bật năm 2023, Công an Thành phố đã chỉ đạo thành lập Đoàn để kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch số 149 của Đảng ủy CATP thực hiện Hướng dẫn số 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có nội dung kiểm tra nhận thức cán bộ, đảng viên bằng hình thức làm bài trắc nghiệm.

Đây là phương pháp mới của lãnh đạo Công an Thành phố, lần đầu tiên được thực hiện, nhằm thống nhất về nhận thức và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự trong sạch, có phẩm chất, năng lực, trình độ, có bản lĩnh vững vàng và có dũng khí đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng, có tác động trực tiếp đến nhận thức của từng cán bộ, chiến sĩ… Thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc Công an Thành phố với vai trò Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Đề cao vai trò của cấp ủy, lãnh đạo

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị chức năng đã tham luận về công tác điều tra các vụ án, vụ việc tiêu cực, tham nhũng của Công an Thành phố; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị đề xuất nâng nâng cao hiệu quả công tác. Trong đó, giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng trong Công an Thành phố được nhấn mạnh trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Đại tá Phạm Thanh Hùng yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các mục tiêu, quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, đồng thời quán triệt, thực hiện quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm và những giải pháp chủ yếu trong công tác phòng, chống tham nhũng phù hợp tình hình của Thủ đô.

Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đảm bảo công khai, minh bạch để ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, nhất là trong một số lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khâu xây dựng chính sách... Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng, ban hành các văn bản thực hiện nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là tiếp tục bổ sung nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực; triển khai thực hiện các văn bản về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, nêu gương của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy, nhất là Bí thư cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị trong việc chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Phó Giám đốc Công an Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị nâng cao hiệu quả công tác thanh tra và kiểm tra, giám sát, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; góp phần phòng ngừa sai phạm từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ thành sai phạm lớn, vi phạm của cá nhân thành sai phạm của tổ chức, tập thể.

Cùng với đó, tập trung điều tra, kết thúc sớm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là cần tập trung giải quyết các vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Thành ủy theo dõi, chỉ đạo. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp để thống nhất về đường lối, quan điểm giải quyết các vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế nghiêm trọng, phức tạp để đảm bảo thời hạn điều tra theo đúng quy định của pháp luật…

H.D
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...