• :
  • :

BRICS "làm thay đổi căn bản" bức tranh toàn cầu

BRICS, với tư cách là "một lực lượng tích cực và ổn định", sẽ tiếp tục phát triển. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định như vậy tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), gồm 5 quốc gia thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, diễn ra từ ngày 22 đến 24-8 tại Johannesburg, Nam Phi.

Tân Hoa xã ngày 23-8 đưa tin, trong bài phát biểu được Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào thay mặt đọc tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng thế giới hiện đã trở thành "một cộng đồng chung vận mệnh". Những gì mà người dân tại các quốc gia khác nhau đều mong mỏi chắc chắn không phải là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới mà là một thế giới tươi đẹp, hòa bình và thịnh vượng. Mọi quốc gia đều có quyền phát triển và mọi người dân đều có quyền tự do mưu cầu cuộc sống hạnh phúc. "Chúng ta cần thúc đẩy phát triển và thịnh vượng cho tất cả mọi người. Mọi thứ chúng ta làm đều nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân của chúng ta", Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định.

Tổng thống Brazil, Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Nam Phi, Thủ tướng Ấn Độ và Ngoại trưởng Nga (từ trái sang) tại Johannesburg. Ảnh: Reuters.     

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng "sự trỗi dậy tập thể" của các quốc gia đang phát triển và các thị trường mới nổi, với BRICS là đại diện, đang "làm thay đổi căn bản" bức tranh toàn cầu. Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ Trung Quốc sẽ tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ hơn với BRICS, tích cực thúc đẩy mở rộng thành viên của khối, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các quốc gia đang phát triển và các thị trường mới nổi cũng như tham gia bảo đảm một trật tự quốc tế bình đẳng hơn. Nhấn mạnh hiện có hơn 20 quốc gia đang "gõ cửa" BRICS, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng sẽ có thêm nhiều quốc gia tham gia vào cơ chế hợp tác BRICS.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 có chủ đề "BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác vì tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững và chủ nghĩa đa phương bao trùm". Theo kênh truyền hình France 24, Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay có sự tham dự của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cùng khoảng 50 nhà lãnh đạo khác. Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự theo hình thức trực tuyến, Ngoại trưởng Sergei Lavrov thay mặt ông chủ Điện Kremlin tham dự trực tiếp hội nghị tại Johannesburg.

Cùng ngày, Reuters cho biết trong bài phát biểu được ghi hình gửi tới Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS, Tổng thống Putin khẳng định quan hệ hợp tác nhiều mặt trong khuôn khổ BRICS không chỉ đóng góp quan trọng vào bảo đảm tăng trưởng bền vững cho các quốc gia thành viên mà còn thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu nói chung. “Chúng ta hợp tác dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lợi ích của nhau. Đây là bản chất của lộ trình chiến lược hướng tới tương lai của khối chúng ta, một lộ trình đáp ứng nguyện vọng của phần lớn cộng đồng thế giới, tức là đa số toàn cầu”, ông chủ Điện Kremlin phát biểu.

Trong bối cảnh BRICS chiếm khoảng 40% dân số, gần 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, được đánh giá là có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế thế giới, tờ The Times of India ngày 23-8 dẫn lời Tổng thống Brazil tuyên bố BRICS không muốn trở thành đối trọng với Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hay Mỹ. Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố Washington không cho rằng BRICS "đang trở thành đối thủ địa chính trị của Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác".

HOÀNG VŨ

Tags: BRICS
Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết