• :
  • :

Ban hành luật, lấy chất lượng làm trọng

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ sáu, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, thảo luận và cho ý kiến hoàn thiện 12 dự án luật, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu: “Ưu tiên cao nhất cho chất lượng dự án luật, không chạy theo số lượng, chỉ những dự án luật bảo đảm chất lượng, giải quyết thỏa đáng các vấn đề vướng mắc thì mới trình Quốc hội thông qua”.

Yêu cầu của người đứng đầu Quốc hội cũng là mong mỏi của người thực thi. Bởi lâu nay, không chỉ những cơ quan thực thi mà ngay cả các luật sư cũng than phiền khi không ít văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hoặc quy định không rõ ràng, cụ thể. Thậm chí cùng một quy định nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật.

Hậu quả từ hiện tượng trên là sẽ tạo ra môi trường pháp lý thiếu ổn định, gây ách tắc, trì trệ trong giải quyết công việc ở nhiều cấp, nhiều ngành, do áp dụng theo luật này thì đúng còn xét theo luật khác thì lại sai, hoặc là có luật cũng như không, dẫn đến hiện tượng mất công bằng trong xã hội. Đây cũng là nguyên nhân gia tăng nguy cơ vi phạm pháp luật ngoài ý muốn và gây ra tranh chấp pháp lý.

Ảnh minh họa / quochoi.vn 

Sự chồng chéo hoặc đối lập về quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khiến cán bộ không dám làm, không dám quyết. Ngược lại, từ sự “có thể co giãn” của văn bản quy phạm pháp luật mà cơ quan nắm quyền thực thi pháp luật có thể vận dụng tùy tiện, có lợi cho người này, tổ chức này, hoặc ngược lại. Nguy hại lớn là tạo ra lỗ hổng pháp lý để một số cá nhân hoặc tổ chức có thể lợi dụng để trục lợi, từ đó làm giảm lòng tin của nhân dân đối với hệ thống lập pháp.

Việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ có tính rường cột trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Luật có chức năng dẫn dắt và điều chỉnh hành vi của con người chứ không phải... đánh đố người thi hành. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật là để quản lý xã hội ngày càng hiệu quả, bảo đảm sự công bằng, tiến bộ xã hội và thúc đẩy xã hội phát triển. Vì vậy, trong soạn thảo dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, tuyệt đối không được lồng ghép vào đó yếu tố lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của ngành mình, đơn vị mình.

Việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi bất cứ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ nào và chú trọng chất lượng là điều cấp thiết phải thực hiện rốt ráo, triệt để. Muốn vậy, trước hết, các cơ quan chức năng phải thường xuyên rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xử lý ngay những vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần phải nêu cao tinh thần “dĩ công vi thượng”, lấy quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng làm trọng. Văn bản quy phạm pháp luật chuẩn mực, khoa học sẽ là cơ sở để xây dựng một xã hội văn minh, phát triển.

THÚY AN

Tags: luật
Lượt xem: 8
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...