“Sức nóng” từ vụ rò rỉ đường ống khí đốt
Vụ rò rỉ đường ống khí đốt từ Nga sang châu Âu qua biển Baltic không còn dừng ở mức độ đơn giản là một sự cố kỹ thuật, mà dường như đã khoét sâu vào mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây, cũng như làm gia tăng sức nóng cho cuộc chiến khí đốt toàn cầu.
Theo trang tin Đức DW, ngày 28-9, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ sử dụng các biện pháp đáp trả mạnh mẽ đối với thủ phạm gây nên sự cố rò rỉ các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 qua biển Baltic. Bởi, EU cho rằng các vụ rò rỉ không phải là một sự cố ngẫu nhiên. “Tất cả thông tin hiện có cho thấy sự cố rò rỉ là kết quả của một hành động có chủ ý... Bất kỳ sự cố ý nào làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu là hoàn toàn không thể chấp nhận được và sẽ được đáp lại bằng một phản ứng mạnh mẽ và thống nhất”, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết. Ông Borrell cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc về thiệt hại gây ra từ sự cố: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ bất kỳ cuộc điều tra nào nhằm tìm ra nguyên nhân và thủ phạm, đồng thời sẽ thực hiện các bước tiếp theo để tăng khả năng phục hồi nhằm bảo đảm an ninh năng lượng".
Cơ sở lưu trữ khí đốt từ đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 tại Lubmin (Đức). Ảnh: Reuters. |
Tuyên bố được đưa ra sau khi 3 điểm rò rỉ được tìm thấy trong các đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu qua biển Baltic gần Thụy Điển và Đan Mạch. Tại thời điểm xảy ra sự cố, cả hai đường ống đều không hoạt động song đã được bơm khí đốt. Các đoạn ống bị rò rỉ nằm ở độ sâu khoảng 80-110m.
Trước đó, Reuters dẫn tuyên bố của Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết hai vụ nổ đã được phát hiện liên quan đến vụ rò rỉ và “mặc dù điều này không thể hiện một cuộc tấn công vào Thụy Điển”, chính phủ nước này vẫn “liên hệ chặt chẽ với các đối tác như NATO cũng như các nước láng giềng gồm Đan Mạch và Đức để điều tra nguyên nhân sự cố”. Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Đan Mạch Kristoffer Bottzauw cho hay, các lỗ rò rỉ là rất lớn và có thể mất một tuần để khí đốt ngừng thoát ra khỏi đường ống. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là nếu không sớm được khắc phục, sự cố này sẽ hủy hoại mọi kỳ vọng rằng Nga có thể nối lại nguồn cung khí đốt sang châu Âu ngay khi tình hình chính trị thay đổi.
Sự cố rò rỉ đường ống xảy ra trong bối cảnh EU đang phải căng mình đối phó với cuộc khủng hoảng khí đốt và giá điện tăng cao. Thông tin về vụ rò rỉ đã lập tức tác động đến giá khí đốt trên thị trường năng lượng quốc tế. Giá khí đốt tháng 10 tại Hà Lan đã tăng 11% lên mức 204,50 euro/ megawatt giờ, mặc dù vẫn dưới mức đỉnh của năm nay nhưng đã cao hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các nhà phân tích của Eurasia Group, tùy thuộc vào quy mô thiệt hại, các vụ rò rỉ thậm chí có thể đồng nghĩa với việc đóng cửa vĩnh viễn cả hai tuyến đường ống... Rò rỉ ở kích thước này là một mối nguy hiểm nghiêm trọng về an toàn và môi trường, đặc biệt là nếu Nga không ngừng bơm khí vào hệ thống.
Bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới sự việc này, ngày 27-9, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Đan Mạch Jean-Charles Ellermann-Kingombe nhằm thảo luận “về hành động dường như phá hoại các đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc”. Trên trang Twitter, ông Sullivan cho hay: “Mỹ ủng hộ các nỗ lực điều tra và chúng tôi sẽ tiếp tục công việc để bảo vệ an ninh năng lượng châu Âu”. Trong ngày 28-9, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Morten Bodskov đã tới Brussels (Bỉ) gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg để thảo luận về các biện pháp ứng phó vụ việc. Theo ông Bodskov, có lý do để lo ngại về tình hình an ninh ở khu vực biển Baltic. Dù không chỉ thẳng mặt, song tuyên bố của ông Bodskov, giống như quy kết của một số nhà lãnh đạo EU, dường như đang cáo buộc Nga dính líu đến vụ rò rỉ đường ống.
Bất chấp việc các nhà chức trách EU phản đối mạnh mẽ rằng vụ rò rỉ gây ra do cố ý, các bên tham gia điều tra cho biết vẫn chưa xác định được nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố.
Phản ứng trước những ám chỉ của Mỹ và EU, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố “việc cáo buộc Nga đứng sau cuộc tấn công vào đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc là ngớ ngẩn”, đồng thời lưu ý rằng Moscow đã nhận thấy các công ty năng lượng Mỹ đã tranh thủ “đục nước béo cò”, “bỏ túi đáng kể” từ hoạt động cung cấp khí đốt cho EU. Theo ông Peskov, sự cố trên cần được điều tra và thời gian sửa chữa các đường ống bị hư hỏng chưa được công bố.
Trong một diễn biến có liên quan, Chính phủ Na Uy cho biết sẽ tăng cường an ninh xung quanh các cơ sở khai thác khí đốt của mình. Oslo đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho EU sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 như một biện pháp đáp trả các lệnh trừng phạt của EU.
HÀ PHƯƠNG