Mỹ và Hàn Quốc tập trận hải quân chung
Ngày 26-9, Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung với sự tham gia của tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan. Đáng chú ý, cuộc tập trận này diễn ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Hãng thông tấn Yonhap cho biết, cuộc tập trận hải quân Mỹ-Hàn sẽ kéo dài 4 ngày nhằm mục đích trau dồi năng lực quân sự của hai nước đối với các hoạt động chung. Trước đó, hải quân Hàn Quốc nhấn mạnh, thông qua cuộc tập trận chung, hải quân hai nước muốn tăng cường khả năng sẵn sàng quân sự và thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của liên minh Hàn-Mỹ trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Đây là cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên giữa hai quốc gia đồng minh Mỹ và Hàn Quốc trong vòng 5 năm qua tại khu vực gần bán đảo Triều Tiên. Hải quân hai nước đã điều hơn 20 tàu, trong đó có tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ và các tàu chiến chủ chốt của Hàn Quốc. Nội dung của tập trận bao gồm hoạt động tác chiến chống hạm và chống ngầm, diễn tập chiến thuật và các hoạt động tác chiến hàng hải khác. Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ do tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan (CVN-76) dẫn đầu. Trong khi đó, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Annapolis của Mỹ tham gia tập trận nhằm giúp lực lượng liên quân tăng cường khả năng phát hiện và theo dõi các tàu chiến dưới nước.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan có mặt tại Hàn Quốc từ ngày 23-9 để tham gia tập trận. Ảnh: Reuters |
Chỉ huy Nhóm tấn công tàu sân bay số 5 của Mỹ Michael Donnelly nhấn mạnh, hải quân Mỹ và Hàn Quốc sẽ thể hiện sức mạnh và quyết tâm của hai nước thông qua cuộc tập trận này.
Cuộc tập trận hải quân chung của Washington và Seoul diễn ra chỉ đúng một ngày sau khi quân đội Hàn Quốc thông báo họ đã phát hiện Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ khu vực trong hoặc xung quanh Taechon, thuộc tỉnh Bắc Pyongan của Triều Tiên. Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada, tên lửa này đã rơi xuống ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản sau khi bay theo quỹ đạo bất thường, nhưng không đe dọa vận tải đường biển và đường không trong khu vực. Ông Hamada cũng khẳng định tên lửa đạt độ cao khoảng 50km và có thể bay khoảng 400km nếu bay theo quỹ đạo thông thường.
Ngay sau vụ phóng, Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Hàn Quốc đã tiến hành họp khẩn dưới sự chủ trì của Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Sung-han. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Kim Seung-kyum và Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc Paul LaCamera cũng ngay lập tức tiến hành thảo luận về tình hình và khẳng định sẽ sẵn sàng ứng phó trong tình huống khẩn cấp.
Trước đó, Mỹ và Hàn Quốc đã có động thái tăng cường hợp tác an ninh khi xuất hiện những đồn đoán rằng Triều Tiên có thể sẽ thực hiện các vụ thử hạt nhân hay phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.
Theo AFP, nhận định về những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, ông Leif-Eric Easley, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Ewha ở Seoul cho rằng Triều Tiên có thể phô trương sức mạnh trong khi tàu sân bay Mỹ đang có mặt tại Hàn Quốc để tập trận. Tuy nhiên, các cuộc thử nghiệm lớn của Bình Nhưỡng trước hết là một phần của chiến dịch dài hạn nhằm nâng cao năng lực tấn công.
ANH VŨ