• :
  • :

SEA Games 32 và nỗi lo doping

Công tác phòng, chống doping tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023 (SEA Games 32) đang khiến nhiều người lo lắng khi trước đó thể thao Việt Nam có vận động viên (VĐV) dương tính với chất cấm tại SEA Games 31.

Danh tính 5 VĐV Việt Nam dương tính với doping tại SEA Games 31 chưa được công bố, nhưng chắc chắn họ không được tham dự SEA Games 32. Chưa hết, nhiều VĐV môn cử tạ, thể hình có kết quả kiểm tra lần 1 nghi ngờ dương tính với chất cấm khi thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022. Công tác phòng, chống doping đang trở nên cấp thiết bởi vấn đề này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích thi đấu và hình ảnh của đoàn thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Tại sao ngày càng nhiều VĐV Việt Nam bị phát hiện nhiễm doping? Theo TS Dương Đức Thủy, nguyên Trưởng bộ môn Điền kinh, nhiều án phạt về doping của thể thao Việt Nam xuất phát từ việc các VĐV thiếu kiến thức, "hồn nhiên" trong việc sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng. Hoặc cũng có những VĐV bị chấn thương trong quá trình tập luyện và thi đấu tự ý chữa trị theo lộ trình riêng của các bác sĩ bên ngoài, không chuyên ngành trong việc điều trị cho các VĐV thể thao. “VĐV Việt Nam không dại dột dùng doping đâu. Việc dính chất cấm đến từ sự vô tình. Trong thuốc kháng sinh chứa nhiều yếu tố có thể liên quan đến chất cấm trong thể thao. Thậm chí, nếu dùng thuốc bổ mà không để ý cũng có thể dương tính với doping”, ông Dương Đức Thủy cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam nhận định với phóng viên Báo Quân đội nhân dân: “VĐV Việt Nam chưa hiểu và cũng chưa đủ tầm để sử dụng doping. Cuộc sống hiện đại, các VĐV tiếp xúc với nhiều loại thuốc có thành phần chất cấm đối với thể thao, thậm chí khi ăn uống mà không bảo đảm cũng dễ dính doping. Bởi vậy, vấn đề quan trọng nhất đối với thể thao Việt Nam là tuyên truyền nâng cao trách nhiệm, sự hiểu biết và cách phòng, chống doping tới các VĐV, huấn luyện viên”.

 Tuyên truyền phòng, chống doping tới các vận động viên thể thao Việt Nam. Ảnh: QUÝ LƯỢNG 

Chuẩn bị cho SEA Games 32, thời gian qua, Trung tâm Doping và Y học thể thao đã phối hợp với 4 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tổ chức các lớp tập huấn kiến thức phòng, chống doping. Nội dung tuyên truyền phòng, chống doping là về quy trình kiểm tra doping và những điểm cần lưu ý; khai báo hồ sơ nơi ở, nơi tập luyện và thi đấu của VĐV. Đối với huấn luyện viên đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ quốc gia, nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định về kiểm tra, quy trình kiểm tra doping và những điểm cần lưu ý...

Theo ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao, từ kinh nghiệm của SEA Games 31, công tác kiểm tra doping sẽ được tiến hành kỹ lưỡng tại đại hội năm nay trên đất Campuchia. Hầu như tất cả những VĐV đoạt huy chương vàng tại SEA Games 32 sẽ được xét nghiệm doping. “Các VĐV phải kiểm soát việc sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng, nắm được danh mục các chất cấm trong thể thao. Họ phải sẵn sàng khai báo thông tin bất cứ thời điểm nào. Năm 2023, chúng ta không chỉ dự SEA Games 32 mà còn thi đấu tại Đại hội Thể thao châu Á 2022, vòng loại Olympic 2024 nên việc kiểm tra doping sẽ được tiến hành thường xuyên và nghiêm túc”, ông Nguyễn Văn Phú nhấn mạnh.

HOÀI PHƯƠNG

Tags: SEA Games
Lượt xem: 5
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết