• :
  • :

Đấu kiếm và chuyện khó muôn thuở

Giải vô địch đấu kiếm U.23 toàn quốc năm 2022 diễn ra ở Bắc Ninh được xem là ví dụ rõ nhất về quy mô đào tạo trẻ ở môn đấu kiếm.

Tập trung toàn bộ kiếm thủ trẻ kế cận, đóng vai trò chính ở đội tuyển quốc gia trong thời gian tới nhưng giải chỉ thu hút gần 130 vận động viên (VĐV). Số VĐV này đến từ những đơn vị vẫn đầu tư cho đấu kiếm trong nhiều năm qua như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương, Bắc Ninh; gần đây là Quảng Ninh và Công an nhân dân. Chỉ có 8 đơn vị dự giải nên số VĐV cũng hạn chế, không như mong đợi của ban tổ chức.

Ông Phùng Lê Quang, phụ trách bộ môn đấu kiếm (Tổng cục Thể dục thể thao) chia sẻ: “Có thêm Quảng Ninh và Công an nhân dân đầu tư cho đấu kiếm mang đến thêm sự lựa chọn VĐV cho các cấp độ đội tuyển quốc gia. Đầu tư cho đấu kiếm đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt. Tôi biết nhiều đơn vị VĐV chỉ mong có cây kiếm mới để luyện tập nhưng sau một thời gian dài vẫn phải tập và thi đấu bằng kiếm cũ”.

Thầy trò đội đấu kiếm Hà Nội tại Giải vô địch U.23 toàn quốc năm 2022. 

Có một số địa phương cũng muốn đầu tư cho đấu kiếm nhưng cuối cùng lại thôi, khi nhận thấy không thể giải quyết được vấn đề kinh phí, thường lên tới hàng tỷ đồng cho 3 tuyến VĐV. Đây cũng là vấn đề quá sức với thể thao nhiều địa phương vốn chỉ trông vào ngân sách. Trong khi đó, quy trình để đào tạo được một kiếm thủ có thể thi đấu tốt ở giải vô địch quốc gia phải mất từ 6 đến 8 năm.

Ngay cả những đơn vị đang đầu tư cho môn này cũng gặp khó trong khâu tuyển chọn. Trưởng bộ môn đấu kiếm (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội), đồng thời cũng là huấn luyện viên (HLV) đội tuyển đấu kiếm quốc gia, ông Phạm Anh Tuấn cho hay: “Không dễ tìm được VĐV phù hợp với môn đấu kiếm. Đây là môn đòi hỏi nhiều về thể hình, sự khéo léo, sự tinh quái, tư duy thi đấu”. Khi tuyển chọn được VĐV hội đủ tố chất trên, ông Phạm Anh Tuấn và các HLV ở Hà Nội bằng mọi cách “giữ chặt”. HLV Phạm Quốc Tài của đội đấu kiếm Công an nhân dân cho biết: “Một trong những khâu khó trong tuyển chọn kiếm thủ là do ít gia đình muốn con đi tập đấu kiếm cũng như các em học sinh chưa biết nhiều về môn thể thao này. Vì thế, trong mỗi dịp tuyển chọn VĐV, các HLV đều cố gắng giải thích kỹ lưỡng để phụ huynh và các em hiểu hơn về môn đấu kiếm, đồng ý cho con em theo tập. Việc này ít nhiều mang đến kết quả tích cực trong công tác tuyển chọn VĐV của đội đấu kiếm Công an nhân dân”.

Việc đầu tư cho đấu kiếm vô cùng tốn kém nên những năm qua, đội tuyển đấu kiếm quốc gia cũng thiếu kiếm tập. Tại SEA Games 31, các tuyển thủ đều phải sử dụng kiếm cũ để thi đấu thay vì kiếm mới. “Kiếm thể thao ở danh mục quy định là vũ khí nên rất khó mua sắm do cần nhiều thủ tục”, ông Phùng Lê Quang chia sẻ.

Bài và ảnh: MINH KHUÊ

Lượt xem: 108
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết