• :
  • :

Cần chế độ phù hợp cho vận động viên khuyết tật

Đó là mong muốn của ông Nguyễn Hồng Minh, Phó cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trưởng đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ 4 (Asian Para Games 4), khi trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân vào chiều 1-11.

Phóng viên (PV): Thưa ông, đâu là nguyên nhân khiến Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam không hoàn thành chỉ tiêu tại Asian Para Games 4?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Kết thúc tranh tài Asian Para Games 4 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) từ ngày 22 đến 28-10, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam giành 1 huy chương vàng (HCV), 10 huy chương bạc (HCB), 9 huy chương đồng (HCĐ), không hoàn thành chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu ban đầu là giành từ 3 đến 4 HCV).

Đáng tiếc, niềm hy vọng HCV Lê Văn Công (cử tạ) tái phát chấn thương nên chỉ đoạt HCĐ. Lực sĩ Nguyễn Bình An phá kỷ lục đại hội nhưng chỉ xếp thứ ba chung cuộc hạng 54kg nam. Môn bơi, một số vận động viên (VĐV) hạng thương tật nặng của chúng ta phải ghép với các VĐV hạng thương tật nhẹ của các đối thủ nên gặp nhiều bất lợi. Cờ vua Việt Nam có cơ hội tranh HCV nội dung cờ chớp nhưng để lỡ đáng tiếc do một số VĐV thiếu kinh nghiệm thi đấu.

Nhiều VĐV của Việt Nam tham dự Asian Para Games 4 đều là những gương mặt quen thuộc do khó tìm lực lượng kế cận. Điều tôi trăn trở là phần lớn VĐV khuyết tật Việt Nam hiện nay khi tập trung ở địa phương không được hưởng chế độ tiền công, tiền ăn khi tập luyện mà chỉ có tiền thưởng khi đạt thành tích. Bởi vậy, họ phải lo mưu sinh rồi mới chơi thể thao nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì thành tích.

Ông Nguyễn Hồng Minh (hàng đầu, cầm cờ) cùng Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam dự Lễ khai mạc Asian Para Games 4. Ảnh: THÁI DƯƠNG

PV: Chúng ta cần làm gì để giải quyết những vấn đề trên, thưa ông?

 Ông Nguyễn Hồng Minh: Cục Thể dục thể thao sẽ tiếp tục đề xuất chế độ đãi ngộ phù hợp, tổ chức hệ thống thi đấu nhiều hơn cho VĐV khuyết tật. Mong rằng, các địa phương, xã hội quan tâm, dành cho VĐV khuyết tật cơ hội việc làm ổn định và điều kiện tập luyện phù hợp. Nhiều VĐV khuyết tật kết thúc mưu sinh khi các cơ sở tập luyện công đã hết giờ hành chính, vì thế họ phải bỏ tiền túi để sử dụng những dịch vụ tư. Đây là một bất cập.

PV: Chúng ta học được gì từ thành công của đoàn Thái Lan và Indonesia tại Asian Para Games 4?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Mỗi đoàn thể thao đều có chiến lược và sự đầu tư phát triển khác nhau. Ngoài sự đầu tư lớn của nhà nước, đoàn Thái Lan và Indonesia đã làm tốt công tác xã hội hóa. Ở Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp ngại tài trợ cho các giải thể thao người khuyết tật vì sợ điều tiếng, quyền lợi truyền thông nhận lại không nhiều. Nhiều gia đình có tâm lý người khuyết tật cần được bao bọc, chăm sóc nên không muốn con em mình theo nghiệp thể thao. Chúng ta cần thay đổi suy nghĩ từ chính gia đình, cộng đồng, phải biến thể thao trở thành sợi dây hàn gắn tâm hồn để những người khuyết tật tự tin vươn lên làm chủ cuộc sống và tỏa sáng tài năng.

PV: Trước những khó khăn trên, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đặt mục tiêu gì tại Paralympic Paris 2024?

 Ông Nguyễn Hồng Minh: Paralympic là sân chơi lớn nhất dành cho người khuyết tật. Hiện thể thao người khuyết tật Việt Nam đã có 4 chuẩn A môn bơi và 2 suất môn cử tạ tham dự Paralympic 2024. Thể thao người khuyết tật Việt Nam đặt chỉ tiêu giành huy chương tại môn cử tạ. Trong đó, Lê Văn Công-lực sĩ từng giành HCV và HCB Paralympic trở thành niềm hy vọng lớn nhất. Hiện chấn thương của Lê Văn Công cần 2 tháng để hồi phục. Ngoài ra, khả năng đoạt huy chương của Nguyễn Bình An và Đặng Thị Linh Phượng là có cơ sở.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HỮU TRƯỞNG (thực hiện)

Lượt xem: 3
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết