• :
  • :

Bóng đá Việt Nam có tiềm năng trong mắt các huấn luyện viên Châu Âu?

Việc nhiều huấn luyện viên Châu Âu muốn dẫn dắt Đội tuyển Việt Nam là một tin đáng mừng…

Bóng đá Việt Nam có tiềm năng trong mắt các huấn luyện viên Châu Âu?

Huấn luyện viên kỳ cựu Javier Clemente là ứng viên muốn dẫn dắt Đội tuyển Việt Nam. Ảnh: AFP

Những tên tuổi nổi tiếng

Kể từ sau thông tin Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Huấn luyện viên Park Hang-seo sẽ không gia hạn hợp đồng sau tháng 1.2023, danh sách những ứng viên thay thế đang ngày một dày lên.

Truyền thông trong nước nhắc đến những cái tên đang làm việc với bóng đá nội như Kiatisuk Senamuang (đang dẫn dắt câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai), Nguyễn Đức Thắng (Topenland Bình Định). Trợ lý của thầy Park là Lee Young-jin, huấn luyện viên đội U.23 là Gong Oh-kyun, hay thậm chí cả Shin Tae-young hiện đang dẫn dắt tuyển Indonesia cũng được xem như một khả năng kế nhiệm.

Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả là sự xuất hiện của một loạt huấn luyện viên đến từ Châu Âu. Nếu như Philippe Troussier là người đã rất quen thuộc với bóng đá Việt Nam khi từng làm việc trong vài năm, thì sự xuất hiện của những cái tên như Dragan Skocic, Slaven Skelezic, Bozidar Bandovic, Robert Prosinecki, Marc Wilmots và gần nhất là Javier Clemente thực sự thu hút sự chú ý.

Trong số họ, có người đã thực sự nổi tiếng, có nhân tố còn chưa quen thuộc với người hâm mộ Việt Nam, nhưng điểm chung là họ đến từ Châu Âu, nơi trình độ bóng đá đã phát triển rất cao. Cũng có người đã làm việc trong môi trường bóng đá Châu Á để có sự hiểu biết nhất định.

Tiềm năng

Ở đây, không phải câu chuyện phần nhiều trong số các huấn luyện viên này đang… thất nghiệp mà vấn đề là, sự quan tâm của họ đang cho thấy sức hút nhất định của bóng đá Việt Nam. Ai cũng hiểu, thành công của đội tuyển dưới thời Park Hang-seo và các đội trẻ những năm qua là nền tảng cho sức hút đó.

Rõ ràng, các ứng viên này đã thấy được tiềm năng phát triển của bóng đá Việt Nam trong tương lai không xa để quyết định nộp hồ sơ. Nếu họ kiếm việc làm vì tiền, Tuyển Việt Nam không phải là điểm đến đáng mơ ước…

Với nhân tố đang chơi bóng ở nước ngoài (Quang Hải), với dàn cầu thủ đã chơi tốt trước những đối thủ mạnh tại Châu Á, các huấn luyện viên này hẳn sẽ thấy rằng, có thể giúp họ thể hiện tốt hơn nữa bằng tư duy, bằng phương pháp huấn luyện từ nền bóng đá đẳng cấp cao.

Sự có mặt của họ được hứa hẹn sẽ giúp các cầu thủ nói riêng và nền bóng đá Việt Nam nói chung tiến bộ hơn. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những câu hỏi. Đó là, lỡ ký hợp đồng với huấn luyện viên ở đẳng cấp… cao quá, các cầu thủ Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu thì sẽ ra sao?

Điều đó là thực tế, bởi tất cả đều biết trình độ bóng đá giữa Việt Nam với Châu Âu là sự khác biệt lớn. Mang phương pháp của Châu Âu đến với bóng đá Việt Nam có khi không phát huy hiệu quả.

Hướng đi nào?

Đó là lý do vì sao tiêu chí “hiểu bóng đá Việt Nam” được đưa vào trong kế hoạch tìm người của VFF. Đương nhiên, các huấn luyện viên Châu Âu đều chưa thể đáp ứng điều kiện đó, nhưng không vì thế mà khẳng định là người Châu Âu không hợp. Chẳng phải Alfred Riedl và Henrique Calisto từng mang lại thành công nhất định cho Đội tuyển Việt Nam?

VFF sẽ phải làm việc và nghiên cứu kỹ các ứng viên, trong đó, tập trung vào yếu tố phong cách cũng như khả năng thích nghi, điều chỉnh ở môi trường bóng đá Việt Nam rất đặc thù. Tất nhiên, sẽ cần đòi hỏi nhiều hơn sự chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam, nhưng khi chưa thể thay đổi trong ngày một, ngày hai, thì sự linh hoạt của huấn luyện viên là điều quan trọng. Thầy Park làm được điều đó.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều quan điểm cho rằng, VFF nên hướng đến một huấn luyện viên trẻ, với tư duy bóng đá mới, phù hợp với bóng đá hiện đại. Tài chính là một vấn đề quan trọng khác, nhưng với sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ cũng như giá trị bản quyền truyền hình đã có tín hiệu tích cực, đầu tư thuê huấn luyện viên đẳng cấp cũng là điều nên làm, hướng đến sự đột phá khi mục tiêu đề ra là Tuyển Việt Nam giành vé dự World Cup 2026.