Bình luận: Thực thực, hư hư
Có tấn công, có bàn thắng nhưng không nhiều, không sắc. Phòng ngự không để đối thủ phá lưới nhưng vẫn hỏng và hở... Có nhiều điều thực thực, hư hư chưa rõ ràng trong lối chơi và thế trận của đội quân trẻ U.22 Việt Nam dưới tay ông thầy danh tiếng Troussier.
Những ý kiến về việc huấn luyện viên (HLV) người Pháp còn giấu bài nghe vẻ có lý nhưng ngẫm lại dường như không phải. Các bài đánh biên cả trái lẫn phải đều đã được tung ra song ít có đường tạt chuẩn, hay. Các miếng xẻ nách, sút xa cũng ít. Các pha dứt điểm hoặc vội vàng, gượng ép hoặc lại quá nắn nót đến chậm lỡ và hiền lành. Có kiểm soát nhưng không làm được bóng... Tổng thể, những tình huống lợi hại có được vẫn chỉ là chuyền dài vào phía sau hàng phòng ngự đối thủ hoặc ra biên. Những pha đánh trung lộ bằng đập nhả không nhiều còn đá phạt thì vô hại, hầu hết không chuẩn và đưa bóng lên trời. Có cảm giác U.22 Việt Nam vẫn đang thử nghiệm, tìm mình trong thực chiến.
U22 Việt Nam tích cực tập luyện, hướng tới mục tiêu bảo vệ Huy chương Vàng tại SEA Games 32. Ảnh: VFF |
Quả thực, 18/20 cầu thủ được ra sân tạo nên những thê đội tấn công và tiền vệ trung tâm khác nhau. Một số cầu thủ cũng được chơi trong các sơ đồ, vị trí khác nhau tùy trận, tùy thời điểm. Đội bóng mới tập hợp, lần đầu “đá thật” nó phải thế. Các cầu thủ trẻ là chưa thể ổn định trong cách chơi, các quyết định xử lý và cả tâm lý. Chỉ trong hai trận đấu ở bảng B mà có đến 5 tình huống đá phản lưới nhà, trong đó U.22 Việt Nam có một lần cho thấy điều đó.
Rõ ràng qua hai trận đầu đá chưa hay, chưa sướng song ai cũng nhận thấy ở trận gặp U.22 Singapore, U.22 Việt Nam đã thi đấu nhịp nhàng, thể lực tốt hơn. Sự âu lo trong phòng ngự đã giảm, hàng công đã thể hiện có sự đa dạng. Và nói chung tất cả cầu thủ đều đã thể hiện được những điểm mạnh, yếu của mình. Sự tự tin trong họ đã nâng lên. Chắc chắn HLV Troussier đã có được đánh giá chính xác hơn về từng nhân tố. Hy vọng rằng ông sẽ tìm ra cách sử dụng một cầu thủ nhiều hứa hẹn như Văn Trường sau hai trận anh chơi chưa hiệu quả. Ông cũng sẽ linh hoạt hơn khi xếp Văn Khang đá thấp hay cao, ở giữa hay sang phải, sang trái. Bước đầu cho thấy tiền đạo cánh phải Thanh Nhàn chơi ăn ý với tiền đạo cắm Văn Tùng và tiền vệ cánh trái Lê Văn Đô. Cũng vậy, nhóm cầu thủ tuổi U.20 như Quốc Việt, Văn Khang, Văn Trường cũng đã ăn ý với nhau hơn...
Phải đá chắc, trước hết là không để thủng lưới. Dễ hiểu ý kiến này khi các tuyến phòng thủ của đội ta chưa thể làm mọi người yên tâm. Tuyến giữa cũng vậy. Nhưng lứa trẻ hiện tại không thể so sánh nhiều mặt với lứa trước từ thể hình đến độ già dặn. Vả lại, hãy đặt họ trong quá trình hướng tới giải U.23 châu Á 2024 và xa hơn là lựa chọn vào đội tuyển quốc gia thi đấu vòng loại World Cup 2026. Đây cũng là quá trình mà HLV muốn xây dựng lối chơi mới. SEA Games 32 mới chỉ là nấc thang đầu tiên. Với một đội bóng mới, chuyện “vừa chạy vừa xếp hàng” tất phải diễn ra.
Trước mắt là U.22 Malaysia, một trận đấu có ý nghĩa then chốt ở vòng bảng với U.22 Việt Nam. Đối thủ vừa đoạt cúp Merlion trước SEA Games vừa giội "cơn mưa bàn thắng" vào lưới U.22 Lào rõ ràng rất mạnh. Họ có ưu thế thể hình, thể lực, tốc độ và dũng mãnh, sắc sảo đáng ngại, xứng đáng là thách thức lớn với U.22 Việt Nam. Hôm nay (6-5), xem họ đá với U.22 Thái Lan ta sẽ có được hiểu biết kỹ hơn về hai đối thủ. Để khi đối đầu trực tiếp với U.22 Malaysia thì mọi điều thực, hư của lớp trẻ mới, lối chơi mới sẽ bộc lộ.
THƯỜNG NGUYỄN