• :
  • :

Rồi sẽ quay về

Bà để cái phong bì lên bàn rồi dặn: Cỗ bàn xong phải về ngay. Mà ông cũng uống vừa phải thôi. Ông ậm ừ. Sao cứ phải dặn nhể. Chú cháu tôi đi cùng nhau, chả nhẽ lại người về trước, người về sau. Ông cầm cái phong bì lên, đi ra hè, vớ cái mũ bảo hiểm treo trên cọc, ụp lên đầu rồi đi ra cổng.

 Minh họa: PHÙNG MINH

Xe máy đang bon bon trên đường, ông vỗ vai đứa cháu họ đang cầm lái rồi bảo: Mày cho chú xuống đây. Chú vào nhà ông bạn rồi đi cùng ông ấy. Đi với mày, họ lại xếp ngồi với đám choai choai à. Chú già rồi. Thằng cháu thả ông xuống. Chờ nó đi khuất, ông chui tọt vào quán bia cây sấu. Trong lúc gọi bà chủ cho cốc bia hơi, ông nhẹ nhàng bóc cái phong bì ra.

Cái bà keo kiệt, anh trên em dưới mà đi mừng cưới có hai trăm. Ông cấn cá. Hay đổi ra, giữ một tờ, kiếm cái phong bì khác, cho một tờ vào đấy, như mọi khi ông vẫn làm. Nhưng mà hôm nay kết chết con 03. Thôi làm tất. Kệ, nhà nó bốn đứa, chả mừng đứa này thì đứa sau. Còn hẳn ba đứa con gái. Có chạy đi đâu mất hay theo không nhà người ta rồi không cưới xin đâu mà sợ. Ông đút tờ hai trăm vào túi áo. Thong thả làm từng hụm bia, mát cả ruột. Bọt bám quanh ria, mát cả ria.

Sáng ra vừa ăn cơm rang, tầm này, chín giờ chứ mấy, đã đòi ăn cỗ, nuốt sao được. Giở bút, giấy ra, kẻ vẽ tính toán, thư thái làm sao. Ở nhà, vụng vụng trộm trộm, cứ phải đợi bà ấy đi vắng mới dám. Làm cốc bia nữa. Rồi cốc nữa. Đến mười giờ, thấy người từ đám cưới túa về, ông úp mũ lên, thanh toán và đứng dậy. Trước khi bước ra còn rút cây tăm cắm vào miệng. 

Trời đông, gió ngun ngút thổi trên đồng Thấu. Những ruộng hoa nhài đã cùng vụ, sót lại lứa hoa bé tí, sun xoăn, chỉ tổ làm mồi cho ong đói bâu rít. Những ruộng ngô vào chắc, râu thâm đen, bắp chuyển màu ngà. Mùa này, cắt được bó cỏ thì đầu gối, cổ chân cũng long ra. Phải đi xa. Đi qua đồng Thấu, qua gò Mắm, mới tới khu chân rừng nhiều cỏ. Bà mải miết đi, vừa đi vừa nghĩ. Cả đời cun cút làm ăn nuôi nấng con cái. Đối nội đối ngoại, sắm sanh. Việc nào việc nấy chu tất. Những tưởng chồng thương, chồng cải nết, tu tỉnh làm ăn. Ai dè hôm nọ, đi chợ, gặp đứa cháu gọi bằng mợ làm nghề chở gas. Nó kể, nó thấy cậu đi cưới đề dưới bờ sông, say bét nhè, đang huênh hoang. Cưới đề là gì hả? Cưới đề là trúng đề to trên chục triệu ấy mợ. Phải bỏ tiền ra khao đồng bọn. Cả đêm không chợp mắt. Sáng ra, đợi các con đi làm hết, bà mới hỏi ông:

- Này, thế cái lời hứa cai đề của ông thế nào rồi? Nhẽ xưa, tôi phải lấy vôi mà vạch vào mồm ông. Tôi sẽ báo công an cho bắt con đề đi!

- Bà có bằng chứng gì không mà nói đóng sống thế hả? Tôi thách cả làng này, thằng nào, con nào gặp tôi đi đánh đề.

Nói là làm. Bà trộm cái điện thoại của ông đem đi tiệm. Nhưng cái điện thoại của ông cũ kỹ và lạc hậu đến nỗi người ta còn không thèm xem thì bằng chứng cái gì. Khi biết bà tay trắng, chả có tí ti bằng chứng gì thì ông ấy lên nước. Cậy con gái. Chả là sáng mai, bên nhà trai bố trí sang chơi. Người ta thành phố, mình nông thôn, văn hóa, văn minh một giời một vực. Phải chu đáo trọn vẹn, lỡ mà thất thố rồi thì khó làm lại. Nhân duyên thành bại thì đến chín phần là cái buổi gặp mặt ban đầu quyết định.

Thằng anh nó thì còn đẻ dưới nước, chứ nó thì lên bờ rồi. Cái làng chài xưa cũ giờ chỉ còn là vết tích ở chỗ cây đa vốn là cọc cắm neo thuyền. Sau ba bận lở thì mất làng. Vùng này, từ xửa xưa có câu vè "Gái làng chài nợ dai hơn đỉa" để nói cái khó khăn, túng thiếu lần hồi của những người đàn bà gạo chợ nước sông. Ba năm trước, bố mẹ bạn gái của con trai bà cũng sang thăm cửa thăm nhà. Cũng mổ gà, mổ vịt tiếp đãi nhau vui vẻ rồi hứa hẹn. Ra đến đầu làng, cái xe của họ phải đinh hay gai gì đó xẹp lốp.

Chả biết cái ông vá xe có bơm vá thêm gì không mà sau vụ ấy về, nhà kia cấm con gái, không cho đi lại. Họ nói đàn ông chài lưới là chúa bài bạc, thiếu trách nhiệm với vợ con, gia đình, bóc ngắn cắn dài, ráo mồ hôi là hết tiền. Thế rồi nhấm nhẳng nhau, ông chẳng bà chuộc. Rồi thôi nhau. Thật lòng bà tiếc con bé. Nó xinh xắn, mồm miệng mau mắn và hay làm.

Ba năm nay, con bà không yêu đương, tìm hiểu ai cả. Cứ lùi lũi đi về. Hết giờ công ty, về đến nhà là rúc vào buồng như gái đẻ. Giục giã bằng nào cũng không động, không cựa. Ba mươi rồi đấy. Nhìn con âu sầu, ngao ngán mà lòng mẹ tê tái.

Đứa con gái thứ hai cũng là út. Lên bờ năm chín bảy thì chín tám đẻ nó. So với con gái ở trong họ thì nó hay hón hơn cả. Da trắng, môi hồng và mắt cứ tròn xoe lay láy. Trộm vía thằng bạn trai nó, con nhà học thức, ăn nói lễ phép, ngoan ngoãn. Học trường gì đấy như điện máy, ra trường làm dăm năm đã có ô tô đi. Giá được làm mẹ vợ thằng ấy thì có mát mặt không! Mọi sự đang ngời ngời rạng rỡ, nhất là khi ông bà bên ấy có lời qua chơi thì đùng cái sét đánh ngang tai. Ông vẫn chơi, còn chơi to, nay trúng thì mai mất, mất trăm lần mới trúng một lần. 

Bố con mấy tháng không nhìn mặt nhau rồi. Giờ bà tính sao cho yên đây. Ông mà cưới đề chục triệu thì cả làng biết. Nhưng làng có biết việc bà đưa tiền cho ông đi đong cám gà, ông chịu lại tiền cám để dành tiền đánh đề không? Đi xát thóc, đi mua thuốc cũng chịu lại, để tiền đánh đề. Đến khi người ta đòi, bà mới biết. Ngay cả tiền đóng học cho con ngày xưa mà đưa vào tay ông, thì ông cũng quy ra đề hết.

Nhưng từ lâu rồi, bà có mượn ông đi mua sắm gì đâu. Ông cũng chẳng làm gì ra tiền. Đi vay thì giờ còn ai ở làng này dám cho ông ấy vay. Hay là... thôi chết. Hay hôm ấy, bà giao ông đi đám cưới con trai người em họ. Cả sáng nay nữa, vẫn giao ông đi. Nhưng rõ ràng là hai chú cháu đi chung xe rồi cùng về. Ông về còn chân nam đá chân chiêu, mặt đỏ bừng, lè nhè một lúc mới lên giường nằm cơ mà.  

Bà gánh cỏ về đến bìa làng đã nghe hai thằng cha chạy xe trâu chở cát kháo nhau có vần, có vè. "Ông trúng con bạch thủ được những hai chục củ, bà ra kia mua cỏ. Ba chục nghìn một bó, cắt làm gì cho khổ". Bà cúi gằm mặt xuống. Đánh rơm rát mặt, rộp cả lưng suốt một vụ được hai cây. Nắng nhai nhải ra, mồ hôi đẫm đầm áo trong, áo ngoài. Vì đồng gần, người ta không bỏ rơm. Phải đi tận đồng xa kéo về, chọn chỗ nắng, phơi gẩy cho thật nỏ rồi mới lên cây, úm lá cọ vào che mưa cho khỏi mục. Một cây to, một cây nhỏ, óng ả.

Thế mà đi làm vắng, ở nhà, ông bán mất cây rơm to. Thấy bảo được bốn trăm bạc, đánh đề hai hôm xong rồi. Còn cây bé, bảo để dành cho bò ăn vụ đông vào cữ cỏ hiếm mà ông cũng rút bán cho quán thịt chó đến non nửa. Mới tháng trước, chủ đề cho người tới tận nhà bắt con bò cái đang chửa đi, khấu tiền ông nợ đề, để lại con bê dòng. Bà khóc hết nước mắt. Ông đã ra sức hứa hẹn, thề bồi. Thế mà...

Hồi xây căn nhà này, thằng con giai lớn góp đến hai phần ba, còn lại là tiền bà dành dụm được. Giao cho ông ấy trông nom nước nôi, thợ thuyền, ông ấy còn nhân lúc bà đi vắng mà vác xi măng đi bán, rút cả sắt bán. Làm bà nghi đông nghi tây. Sau thợ phải rình chủ nhà, lấy điện thoại chụp lại làm bằng chứng, ông mới chịu nhận. Trần đời chỉ có ông thôi. Bảo trông nom nhà cửa, kỳ thực, ông chỉ khư khư cuốn sổ và cây bút để ghi chép, kẻ vẽ chứ hớp nước cho thợ cũng không đun, cái đóm không chẻ.

Nước thì bắc dây sẵn ra rồi, bảo ông tranh thủ mở khóa, táy lên tường cho đỡ rạn, ông cũng không. Ăn thì như cọn nhưng không muốn mó tay vào việc gì. Hễ bà nói thì ông bảo nghề của ông là chài lưới, là đánh bắt cá sông. Bà nằng nặc đòi lên bờ, đòi cấy cày thì giờ cứ tự lo liệu lấy. Còn trách gì. Cả họ ai ai cũng chăm chỉ, thu vén, tu chí làm ăn. Lên bờ hai chục năm. Giờ nhà nào cũng khấm khá hết cả. Chỉ có nhà bà, kín chỗ nọ, hở chỗ kia, suốt đời vá víu. Đêm năm canh thì có đến bốn canh là lo lắng, buồn tủi. Bao giờ hai đứa có vợ, có chồng, con oe oe trên tay, họa may bà mới an lòng.

Khoảng chín giờ sáng hôm sau, bà đang gọt bưởi, ông đang pha trà thì có tiếng còi xe toe toe ở cổng. Từ trên xe bước xuống, hai người trung tuổi ăn mặc sang trọng. Đàn ông áo bỏ trong quần, giày đen bóng lộn, tóc vuốt keo dựng ngược. Đàn bà mặt hoa da phấn, tay đầy nhẫn vàng, váy áo lộng lẫy. Tiếp sau đấy là thằng con rể tương lai đi cùng cô em gái độ mười tám tuổi cứ như hoàng tử với công chúa trong cổ tích. Ông vội vàng đi ra, chùi tay vào quần, đưa tay ra phía trước. Mời ông bà vào trong nhà xơi nước. Dạ, anh chị có khỏe không ạ? Cảm ơn ông bà, nhà quê chúng em cũng chỉ có mỗi cái sức khỏe là dư dả thôi ạ. Vâng, thế tốt quá rồi, có sức khỏe là có tất cả!

Sau một lúc làm công tác giới thiệu thì đôi bên nói chuyện cũng cởi mở hơn. Mâm cơm được dọn ra ngay trên chiếc bàn uống nước ở giữa nhà. Bà xăng xái lấy cái nọ, cất cái kia, thi thoảng lại liếc ông để trông chừng. Phòng khi ông dại dột nói năng bừa phứa còn biết lối mà khống chế kịp thời.

Ơn giời, ông ăn nói lưu loát, điều độ, chừng mực. Nhưng khi ngấm rượu thì cái chứng ba hoa, phét lác bắt đầu phát tác. Khách hỏi về chuyện làm ăn. Ông khoe đang có dự án thuê đồng Thấu để nuôi ốc nhồi cung cấp cho thành phố. Hiện thì đang trục trặc ở cái dự án nuôi bồ câu Pháp do cái cậu làm chung đột ngột rút vốn...

Càng nghe ông nói, thông gia tương lai càng tỏ ý thán phục. Nông thôn mà biết tính toán, nhìn xa trông rộng thế thì rồi sẽ khá lắm. Bà nơm nớp lo sợ. Sao trên đời này lại có người nói khoác không ngượng mồm thế nhỉ. Một xu dính túi không có. Trong túi chỉ có cáp đề với sổ đề thôi mà nói như thánh tướng. 

Thấy bà tỏ ra khó chịu thì ông đi vào phần việc chính. Rằng con gái ông tuy chỉ học cao đẳng thôi nhưng làng này vô khối anh nhăm nhe. Nhưng ông chưa quyết vì chưa tìm được đám môn đăng hậu đối. Kể như thằng cả, lương tháng hơn chục triệu, gái theo đầy, nhưng chưa tìm được chỗ nết na, chưa đánh tiếng. Và nó giống ông, cũng lấy vợ muộn. Trâu chậm hay gặp nước trong. 

Đang lúc ông thao thao bất tuyệt về chuyện duyên số với tuổi tác của đôi trẻ thì có hai xe máy chở theo bốn thanh niên xăm trổ vằn vện phóng vào sân. Một thằng đeo một bên khuyên tai vàng dài lòng thòng lên giọng:

- Nhà có khách đông vui quá nhỉ. Phiền ông anh ra cho tụi em hỏi tí việc!

Mặt ông biến sắc, nhưng ông vẫn cười đĩnh đạc: 

- Mấy chú về đi. Chiều nay, theo đúng kế hoạch, tôi sẽ có mặt. Chắc chắn đấy. Bảy giờ! 

Một thằng thanh niên cười nhạt:

- Thôi, nể ông đang tiếp thông gia tương lai, bọn này về. Bảy giờ tối quay lại. Có năm chục triệu bạc mà ông anh cứ để bọn này vất vả!

Bà nghe đến đấy thì mặt mũi xây xẩm, tay run, lăn quay lơ ra chiếu...

Ông thông gia tương lai an ủi: Bác đầu tư làm ăn gì thì làm, cũng nên cẩn trọng, không nên mạo hiểm quá. Năm chục triệu thì cũng không lớn, nên thu xếp trả cho họ. Chúng đi rồi, bà được con gái dìu vào buồng. Bữa tiệc gặp mặt bị phá hủy hoàn toàn. Thông gia tương lai sau vài câu an ủi chiếu lệ thì lên xe rút êm. Con bé khóc sưng mắt. Ông đứng đầu hè nói tưng hửng. Tao làm hai nghìn bả chuột ăn cho xong. Cho mẹ con mày khỏi phải nhục. Tổ sư đời.

Bà nằm trên giường, mùi dầu gió sực nức. Nhà cửa lặng như tờ. Gần trưa, bà gọi đứa con gái vào và bảo. Con gọi ông ấy về đây cho mẹ!

- Tôi đây! Đi đâu mà phải gọi. Còn đi đâu được nữa giờ này. Ra khỏi nhà là chúng nó giết! 

Ông khật khưỡng từ ngoài đi vào. Bà nhìn thẳng vào mắt ông mà nói như van nài: Ông này! Sức tôi kém cỏi, không thể chịu đựng được thêm phút nào nữa. Ông cầm con dao, đâm thẳng vào ngực tôi đi. Rồi ông muốn làm gì thì làm. Bà rút từ đầu giường ra con dao để dưới gối, run run đưa cho ông. Ông cầm lấy con dao, dí luôn vào cổ mình:

- Nội chiều nay, không có năm chục triệu đưa thì chúng nó cũng giết tôi. Đằng nào chả thế. Chi bằng tôi chủ động!

Đứa con gái sợ quá:

- Bố bỏ dao xuống. Con sẽ trả nợ cho bố. Con để dành được một ít tiền!

Bà gào lên:

- Đừng con! Đừng trả nợ cho ông ấy bằng những đồng tiền mồ hôi nước mắt của con. Ông ấy không xứng đáng. Mẹ cả đời trả nợ thay cho ông ấy mà không xong thì con đừng có mơ. Con đừng tin cà cuống hết cay. 

Ông dí con dao sâu hơn một chút, nhìn con gái, thăm dò:

- Bố nợ mấy trăm triệu cơ mà, vài chục của mày đáng gì. Giờ chỉ có nước bán nhà thôi.

*  *  *

Chiều cuối năm rét mướt, về đưa Tết thầy mẹ, tôi tình cờ gặp ông đẩy chiếc xe chổi lông gà về phía làng trong đê. Mới có sáu năm mà trông ông khác quá. Tôi hỏi giờ bà nhà ông làm gì. Ông kể bà ở nhà trông cháu. Con dâu, con trai đi làm công ty. Cháu trai hơn tuổi, nghịch lắm. Còn đứa gái út tận bên Hàn Quốc. Con bé ấy số cũng sướng. Nó lấy chồng Hàn Quốc. Con gái nó đẹp lắm, y như mẹ, mới gửi ảnh chiều hôm qua. Thế bác đã chuộc nhà cũ chưa? Ô, cô mới về không biết à. Chuộc làm gì? Cái nhà rìa sông, hồi đó bán được còn là may đấy. Kể từ ấy, tôi không thèm lai vãng ra đó bận nào. Tôi mua đất mới giữa làng, xây nhà to, khang trang, Tết cô đến chơi nhé. Nói đoạn, ông cười hiền lành, đẩy xe đi tiếp. Tôi bỗng thấy ấm lòng. 

Bữa cơm tất niên, tôi kể chuyện gặp “thánh đề” khi xưa cho em trai nghe. Em trai tôi cười ngặt nghẽo. Đề làm ông ấy hoang tưởng đấy. Giờ đi ở nhờ thôi, làm gì có nhà. Cả vợ, con trai, con gái đều đi biệt tích, không mảy may tin tức gì đâu, Tết này là năm Tết. Giờ thì chăm chỉ lắm, chổi của ông rất đẹp. Tôi xen ngang. Thôi thế cũng mừng cho ông ấy. Sớm muộn vợ con rồi sẽ quay về. Con người, dễ gì bỏ được nơi chôn rau cắt rốn.

Truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN

Tags: qdnd
Lượt xem: 325
Tác giả: Mai Phương Thảo
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết