• :
  • :

Nơi "một giây cũng quý như vàng"

Nỗ lực hết mình, tận dụng từng giây để giành lại sự sống cho người bệnh là trách nhiệm và công việc hằng ngày của các bác sĩ, điều dưỡng viên thuộc Bộ môn-Trung tâm Hồi sức cấp cứu, chống độc (HSCC, CĐ), Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y).

“Chuyên ngành hồi sức cấp cứu có đặc điểm hầu hết bệnh nhân vào đây đều trong tình trạng nặng, nguy kịch, do đó, các bác sĩ và điều dưỡng viên luôn phải làm việc với cường độ cao, tính chất căng thẳng, nhiều áp lực. Nhưng chúng tôi đều tự nhủ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ vì trước mắt mình chính là tính mạng của người bệnh”. Những chia sẻ của Đại úy, Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Công, Khoa Hồi sức ngoại thuộc Bộ môn-Trung tâm HSCC, CĐ, Bệnh viện Quân y 103 phần nào giúp chúng tôi hình dung được công việc của các thầy thuốc ở đây.

Các thầy thuốc Bộ môn-Trung tâm Hồi sức cấp cứu, chống độc, Bệnh viện Quân y 103 luôn trách nhiệm, tận tình điều trị, chăm sóc bệnh nhân

Tại các bệnh viện, khoa cấp cứu thường được ví như nơi “đầu sóng ngọn gió” cũng là vì thế. Đối với Bệnh viện Quân y 103, Bộ môn-Trung tâm HSCC, CĐ gồm 3 khoa: Khoa Hồi sức ngoại, Khoa Hồi sức nội và Khoa Cấp cứu nội. Được biết, tiêu chuẩn chọn các bác sĩ về làm việc tại đây đòi hỏi toàn diện: Phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, năng lực chuyên môn tốt, sức khỏe bảo đảm... để có thể đáp ứng được cường độ làm việc ở nơi “nước sôi lửa bỏng” suốt 24/24 giờ, quanh năm.

Hôm chúng tôi đến Khoa Cấp cứu của bệnh viện, phải đợi khá lâu mới gặp được Chủ nhiệm khoa là PGS, TS Hoàng Tiến Tuyên vì anh đang có nhiều ca cấp cứu cùng lúc. Anh Tuyên chia sẻ: “Đối với bệnh nhân cấp cứu, có khi quyết định tính mạng chỉ nhanh hay chậm trong vài giây thôi nên chúng tôi phải tận dụng từng giây. Ở đây, một giây cũng quý như vàng”.

Tiếp tục đến khu điều trị tích cực gồm Khoa Hồi sức nội và Khoa Hồi sức ngoại, chúng tôi gặp rất nhiều bệnh nhân nặng. Như trường hợp cháu Phạm Văn Hải, 17 tuổi, bị đa chấn thương, chấn thương sọ não, chấn thương bụng kín do tai nạn giao thông, đã trải qua hai lần mổ, khâu phục hồi đại tràng vỡ, lấy máu tụ ngoài màng cứng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Phạm Văn Hảo, bố cháu Hải cho biết: “Gia đình tôi vô cùng biết ơn các y, bác sĩ đã tận tình chăm sóc, cứu chữa kịp thời cho con tôi. Lúc mới vào, nhìn thấy con băng bó đầy mình, phải thở máy, gọi hỏi không biết gì, tôi rất tuyệt vọng. Nhưng giờ cháu đã tỉnh táo, nói chuyện được, ăn uống qua miệng bình thường, gia đình tôi mừng lắm”.

Trách nhiệm, nhiệt tình, ân cần, chu đáo... là nhận xét về các thầy thuốc quân y ở đây khi chúng tôi hỏi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. 

Bên cạnh nhiệm vụ điều trị, Bộ môn-Trung tâm HSCC, CĐ còn có nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hiện nay, bộ môn có 8 giảng viên cơ hữu và 3 trợ giảng, đều có trình độ thạc sĩ trở lên. Hằng năm, lực lượng này đảm nhiệm giảng dạy hơn 2.000 giờ, tham gia huấn luyện ở các tuyến trong và ngoài quân đội; chủ biên, tham gia viết nhiều đầu sách về chuyên ngành HSCC phục vụ công tác đào tạo và điều trị; tham gia và chủ trì các đề tài nhánh thuộc lĩnh vực ghép tạng và các lĩnh vực hồi sức khác. Những năm gần đây, đơn vị đã chủ trì 17 đề tài nhánh cấp Nhà nước, được nghiệm thu đạt khá và xuất sắc; 19 đề tài khoa học cấp Bộ Quốc phòng và tương đương về chuyên ngành HSCC, nghiệm thu đạt xuất sắc.

Cùng với đà phát triển mạnh mẽ của y học, Bộ môn-Trung tâm HSCC, CĐ được giao thêm một số nhiệm vụ mới như điều trị, hồi sức bệnh nhân ghép tạng, lần lượt góp phần triển khai thành công các kỹ thuật ghép tạng tại bệnh viện như: Ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép tụy thận, ghép phổi. Đặc biệt, ghép thận đã trở thành kỹ thuật thường quy với hơn 1.000 ca.

Những năm gần đây, số bệnh nhân được thu dung, điều trị ngày càng tăng. Mỗi năm, Khoa Cấp cứu khám hơn 50.000 lượt bệnh nhân; Khoa Hồi sức ngoại và Khoa Hồi sức nội thu dung, điều trị hàng nghìn bệnh nhân nặng. Trong hai năm qua đã có gần 30 lượt bác sĩ, điều dưỡng viên tham gia vào đội hình các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch.

Thượng tá, PGS, TS Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Bộ môn-Giám đốc Trung tâm HSCC, CĐ, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức ngoại chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào về bề dày thành tích trong suốt hành trình xây dựng, trưởng thành 45 năm qua. Bộ môn-trung tâm luôn được sự quan tâm của thủ trưởng Bệnh viện Quân y 103, thủ trưởng Học viện Quân y, đặc biệt là tâm huyết của các thế hệ tiền bối về phát triển năng lực chuyên môn, xây dựng đội ngũ. Đó là điểm tựa vững chắc để các thế hệ cán bộ, nhân viên đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, điều trị và nghiên cứu khoa học. Tất cả cán bộ, nhân viên đều phải xác định học hỏi liên tục, cập nhật, trao đổi thường xuyên, phối hợp chặt chẽ với các chuyên khoa trong bệnh viện để cấp cứu, điều trị kịp thời cho bệnh nhân. Chính vì vậy, những năm qua, chất lượng điều trị không ngừng được cải thiện, nhất là các ca bệnh nặng, cấp cứu tối khẩn cấp. Một trong những ưu tiên trong thời gian tới của bộ môn-trung tâm là nâng cao chất lượng công tác điều dưỡng, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, cải thiện tinh thần, thái độ làm việc, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. 

Box: Trong 45 năm xây dựng và trưởng thành (1-3-1977 / 1-3-2022), Bộ môn-Trung tâm HSCC, CĐ đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý như: 6 huân chương của Chủ tịch nước, 3 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 4 cờ thi đua của Bộ Quốc phòng, nhiều bằng khen của Bộ Y tế, Học viện Quân y và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN

Tags: qdnd
Lượt xem: 344
Tác giả: Mai Phương Thảo