Những số phận mưu sinh nhờ nghề bới rác
Hằng ngày, hơn 10 người, chủ yếu là phụ nữ đến bãi rác tìm ve chai, phế liệu. Phần lớn trong số họ có hoàn cảnh khó khăn, không công việc ổn định.
Nhiều năm qua một số người dân phải chọn việc bới rác làm kế mưu sinh nuôi sống gia đình (Ảnh: Đ.T) |
Bãi rác xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị rộng gần 1ha, chất cao như núi, bốc mùi hôi nồng nặc. Vậy mà, hàng ngày, một số người vẫn tìm đến đây bới từng bao rác, thu lượm ve chai, phế liệu để kiếm sống.
Nhiều năm gắn bó với bãi rác
Đúng 8h30 mỗi ngày, bà Nguyễn Thị Điệp (56 tuổi, trú tại huyện Cam Lộ) lại mang theo bao tải, cây kéo, điều khiển xe máy đi về hướng bãi rác để thu lượm chai, lọ, sắt vụn... kiếm tiền lo cho cuộc sống.
Bà Điệp cho biết, năm 37 tuổi đã bắt đầu công việc này. Trước đây, bà nhặt rác tại bãi TP Đông Hà (Quảng Trị). Sau này, bãi rác Cam Tuyền được xây dựng gần nhà, thì mới chuyển về đây tìm ve chai, phế liệu đến bây giờ.
“Do tgia đình nghèo khó, bản thân không có việc làm nên tôi đành đến các bãi rác thu lượm ve chai, phiếu liệu bán kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình”, bà Điệp nói.
Người phụ nữ đang cố gắng cắt từng túi rác để tìm ve chai, phiếu liệu. Ảnh: Đ.T |
Những chiếc chiếu được nhặt về tái sử dụng. Ảnh: ĐT. |
Chị T.T.H (35 tuổi, trú huyện Cam Lộ) cho biết, bản thân không có việc làm, chồng không được nhanh nhẹn nên mọi việc trong gia đình đều do một mình chị gánh vác, lo liệu. Khi chưa làm nghề nhặt ve chai, phiếu liệu ở bãi rác, chị H làm đủ mọi thứ nghề, ai gọi gì cũng làm.
“Đây là năm thứ 6 tôi làm nghề này. Nhà đông con nên tôi không thể đi làm xa hay làm công ty được. Làm nghề này cũng vui, không gò bó thời gian, không ai quản lý, cũng chẳng sợ mất lòng ai”, chị H vui vẻ nói.
Bất chấp nguy cơ bệnh tật
Xe vừa đổ rác ra bãi, mọi người bẳt đầu lao vào cào, bới, móc từng túi rác để tìm vỏ chai, sắt vụn... rồi phân loại cho vào từng bao tải. Cứ thế, từ sáng đến tối họ phải vật lộn với hàng tấn rác thải đang bốc mùi hôi nồng nặc.
Bữa cơm trưa cũng được bày ra ngay trên bãi rác để ăn. Công việc của họ phải “đắm mình” trong rác, ngửi mùi hôi thối, tiếp xúc với chất độc hại nhưng thu nhập lại rất thấp.
Những bao tải phế liệu được di chuyển đến nơi tập kết để phân loại (Ảnh: ĐT) |
Bà Điệp cho hay, tùy vào độ may mắn, mỗi ngày bà có thể kiếm được 100.000 - 150.000 đồng từ việc bới rác thu lượm ve chai, phiếu liệu. Số tiền đó vừa đủ cho bà chi tiêu, trang trãi cuộc sống cho cả gia đình. Ngoài việc thu lượm chai lọ, thùng giấy... bán lấy tiền. Những vật mà người khác vứt đi như chiếu, nệm còn xài được, tôi cũng nhặt về tái sử dụng.
“Ngày nào kiếm nhiều thì ăn nhiều, ít thì ăn ít. Biết là có nguy cơ mắc các loại bệnh tật nhưng giờ phải làm để có tiền, chứ giờ nghỉ không biết làm gì trong khi bản thân đã lớn tuổi”, bà Điệp tâm sự.
Khu vực bãi tập kết rác xã Cam Tuyền (Ảnh: ĐT) |
Trước nguy cơ bệnh tật chực chờ, đe dọa nhưng vì cuộc sống, những người này phải chấp nhận chọn bãi tập kết rác làm nơi kiếm tiền. Đối với họ bãi rác là nguồn sống, nơi gắn bó thân quen nhất mỗi ngày. Nhằm bảo vệ cho bản thân, những người với công việc bới rác chỉ biết trang bị thêm cho mình những chiếc bao tay, khẩu trang, mũ, chiếc ủng hay mặc thêm nhiều lớp áo quần...
Trung bình mỗi ngày, bãi rác tại xã Cam Tuyền tiếp nhận khoảng 30 tấn rác từ các xã, thị trấn trên địa bàn. Năm 2021, sau khi được bàn giao công trình lò đốt rác, HTX Dịch vụ môi trường và công trình đô thị huyện Cam Lộ đưa vào vận hành thử nghiệm. Qua một tháng chạy thử, hệ thống lò đốt rác đáp ứng công suất 1 tấn rác/giờ (đúng theo công suất thiết kế), lượng khí thải ra qua ghi nhận rất ít. Tuy nhiên, sau đó, phần vì máy móc bị hư hỏng, phần vì thiếu kinh phí duy trì nên hệ thống này phải ngưng hoạt động đến nay. Số rác tiếp nhận mỗi ngày vì thế cứ tồn đọng, chưa được xử lý kịp thời. Thời gian qua, do khó khăn về kinh phí vận hành nên lò đốt xủ lý rác phải tạm ngưng hoạt động. Để duy trì hoạt động của hệ thống xử lý rác thải trên, huyện này cần hơn 1,5 tỉ đồng/năm. |