Nhìn thẳng-Nói thật: Để “thầy ra thầy, trò ra trò”
Một sự việc có diện “phủ sóng” rộng trên báo chí và mạng xã hội trong mấy ngày nay lại diễn ra tại học đường. Đó là chuyện một nhóm học sinh ở Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang dồn cô giáo vào góc lớp, vừa buông lời chửi bới, đe dọa, ném đồ vật vào người cô vừa quay video rồi sau đó nhốt cô trong lớp. Đáng nói hơn, những hành động gây sốc ấy được những học sinh mới học lớp 7 thực hiện với sự hưởng ứng, cổ vũ của nhiều bạn khác.
Xoay quanh sự việc này đang có những luồng suy nghĩ khác nhau. Cùng với "mổ xẻ" căn nguyên của sự việc, nhiều người thể hiện sự bất bình trước hành động của nhóm học sinh; nhưng đáng chú ý là có những lập luận cho rằng “không có lửa làm sao có khói”, hay “cô phải thế nào thì trò mới thế”. Những lập luận kiểu như vậy khiến nhiều người không khỏi giật mình.
Hình ảnh học sinh vây quanh nữ giáo viên (sự việc xảy ra tại Trường THCS Văn Phú). (Ảnh cắt từ clip: TTXVN) |
Có lẽ, cùng với mỹ từ “cao quý” thì “áp lực” cũng là từ phản ánh khá sát đặc thù của nghề giáo. Áp lực bởi đối tượng tác động là con người, thuộc nhiều lứa tuổi, mỗi người là một thế giới riêng, với tâm sinh lý, trình độ nhận thức, tính cách riêng; áp lực bởi những chỉ tiêu, thành tích đặt ra từ các cấp; áp lực còn bởi mong muốn của học trò, kỳ vọng của phụ huynh... Có thể, đối diện với áp lực ấy, có những thầy cô không còn sự bình tĩnh, tỉnh táo cần thiết để giữ được sự chuẩn mực, dẫn đến vi phạm. Nhưng công bằng mà nói, không thể lấy hai chữ “áp lực” để biện minh cho những sai trái, vi phạm của giáo viên. Nghề giáo đòi hỏi tính mô phạm từ học đường đến cuộc sống thường nhật, từ lời nói đến việc làm. Thế nên, khi sai phạm đã được làm rõ, căn cứ vào quy chế, quy định của nhà trường, của ngành cũng như quy định của pháp luật, không ít giáo viên đã bị xử lý nghiêm khắc, thích đáng, từ đó giúp họ tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thiện bản thân, xứng đáng với danh xưng nhà giáo.
Liên quan đến những sai phạm của giáo viên, chúng ta cũng cần phải tường minh rằng, bất luận trong hoàn cảnh nào, phụ huynh cũng như học sinh không thể và không được thay mặt cấp có thẩm quyền xử lý giáo viên, lại càng không thể hành xử với thầy, cô giáo bằng bạo lực. Thế nên, trước sự việc cô giáo bị nhóm học sinh lớp 7 dồn ép, chửi bới, hành hung, ta đừng chấp chới, chênh vênh với lập luận “cô phải thế nào thì trò mới thế”, mà hãy thành thực và cầu thị để nhận ra rằng, việc làm của các em hoàn toàn sai trái.
Với người Việt, “kính trên nhường dưới” là điều mỗi người được răn dạy từ thuở còn thơ; “tôn sư trọng đạo” là lời nằm lòng kể từ lúc cắp sách đến trường. Bất kính với người lớn đã là điều khó chấp nhận, vô lễ với thầy cô lại càng không thể biện minh. Mới học lớp 7- có thể ví mỗi học sinh như một cây non, song các em đã dám làm những điều sai trái-thứ có thể khởi nguồn, dung dưỡng cho tính ác lớn dần trong mỗi con người. Nếu không được chấn chỉnh, uốn nắn, “chữa bệnh” kịp thời, rất có thể một ngày không xa, ung nhọt sẽ lớn dần và tàn phá những thân cây ấy.
Ngược lại, từ góc độ giáo viên và nhà trường, cũng rất cần tinh thần nghiêm khắc, thẳng thắn và cầu thị, để “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”, để nhà giáo không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải thực sự tiêu biểu, chuẩn mực về phương pháp, tác phong và đạo đức, văn hóa sư phạm.
SÔNG CẦU