• :
  • :

Người Mỹ dần quay lưng với biểu tượng ẩm thực của chính mình

Món kem vốn được coi như biểu tượng của văn hóa, ẩm thực và lối sống Mỹ đang ngày càng kém được ưa chuộng tại chính nước này. Theo CNN, cũng như nhiều loại thực phẩm khác được khuyến cáo không tốt cho sức khỏe bao gồm nước ngọt có ga, thịt đỏ..., món kem đã dần trở thành “đứa con tinh thần bị bỏ rơi” của người Mỹ do lo ngại bệnh béo phì và các loại bệnh khác.

Con số thống kê cho thấy, lượng kem tiêu thụ bình quân đầu người tại Mỹ đạt đỉnh vào thập niên 1940 và đi ngang cho đến thập niên 1990. Nhưng lượng tiêu thụ sản phẩm này đã bắt đầu xuống dốc vì bị coi là loại thực phẩm đắt tiền mà không tốt cho sức khỏe. Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, lượng tiêu thụ kem bình quân của nước này sụt giảm liên tục suốt nhiều năm, từ 18 pound/người (8,2kg) năm 1986 xuống chỉ còn 12 pound/người năm 2021. 

Ngành kem được cho là sa sút kể từ sau khi câu chuyện về người thừa kế thương hiệu kem nổi tiếng Baskin Robbins của Mỹ quay ra chống lại chính sản phẩm mang lại sự giàu có cho gia tộc mình được lan truyền. Cái chết năm 1967 của người chú Burt Baskin, nhà đồng sáng lập hãng kem, do bệnh tim đã làm John Robbins thay đổi. Nhà thừa kế sáng giá John Robbins đã chối bỏ quyền thừa kế cơ nghiệp cách đây nhiều năm và quay sang vận động bảo vệ quyền lợi cho động vật, bao gồm cả những chú bò sữa cung cấp nguồn nguyên liệu để làm kem. 

Người xếp hàng tại xe kem ở New York, Mỹ vào năm 2011. Ảnh: Mr. Softie Ice Cream 

Ông còn phát biểu trên báo chí cho rằng càng ăn nhiều kem sẽ càng dễ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường và béo phì. Tiếng nói của John đã thu hút được lượng lớn người chú ý cũng như giới truyền thông khi ông là nhà thừa kế của một trong những tập đoàn bán lẻ kem lớn nhất thế giới. Hậu quả của sự việc này là kem và đường trở thành mối quan ngại của người tiêu dùng về sức khỏe suốt nhiều năm, trở thành yếu tố chính ảnh hưởng đến doanh số ngành kem ở Mỹ, theo một báo cáo phân tích của Rabobank.

Số liệu của USDA cho thấy, dù lượng tiêu thụ kem bình quân tại Mỹ đã giảm nhưng sản phẩm kem ít béo lại tăng từ 6,1 pound/người năm 1986 lên 6,4 pound/người năm 2021. 

Một trong những nguyên nhân nữa khiến kem ngày càng kém hấp dẫn là do người dân đã có nhiều sự lựa chọn hơn cho món tráng miệng. Trong các siêu thị, sản phẩm kem giờ đây phải cạnh tranh với các loại bánh ngọt, bim bim, kẹo hay vô số loại thực phẩm hấp dẫn khác. 

Một yếu tố nữa là khẩu vị của người Mỹ cũng đã dần thay đổi khi ngành thực phẩm phát triển nhanh chóng. Yêu cầu và tiêu chuẩn khẩu vị ngày càng cao của khách hàng khiến ngành kem cũng gặp khó khăn hơn trong việc thuyết phục người tiêu dùng móc hầu bao của mình. 

ĐỨC ANH

Tags: Mỹ