• :
  • :

Thách thức khí hậu phủ bóng tham vọng kinh tế của Thái Lan

Mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao của Thái Lan đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó biến đổi khí hậu (BĐKH) đang làm gia tăng áp lực lên năng suất, sự ổn định và đổi mới của nền kinh tế.

Trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP29) xác định mục tiêu quan trọng là bảo đảm nguồn tài trợ cho việc sửa đổi lộ trình hành động ứng phó với BĐKH toàn cầu, theo đó, các kế hoạch ứng phó với BĐKH được điều chỉnh trước tháng 2-2025, Thái Lan cần tập trung vào vấn đề này hơn bao giờ hết để thực thi các cam kết quốc tế của nước này. Thái Lan đang thúc đẩy tham vọng là nước đi đầu trong ASEAN trong việc giảm lượng khí thải carbon, mở ra cánh cửa thương mại toàn cầu và mang lại lợi thế cạnh tranh cho các nhà sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nước.

Theo Bangkok Post, báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) có nhan đề “Hướng tới một Thái Lan xanh và kiên cường” chính là lời kêu gọi hành động khẩn cấp, vạch ra con đường hướng tới một nền kinh tế được củng cố bằng khả năng phục hồi, tính bền vững và tiến bộ toàn diện. Năm 2021, Thái Lan đã đưa ra mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh (BCG) nhằm đặt nền móng cho một nền kinh tế bền vững, ít carbon. Tuy nhiên, với các mối đe dọa về khí hậu ngày càng gia tăng, bao gồm mực nước biển dâng, thời tiết khắc nghiệt và mất đa dạng sinh học, cần có một cách tiếp cận đầy tham vọng hơn. Vì vậy, báo cáo trên của WB đã giới thiệu mô hình BCG+ nhằm củng cố chương trình nghị sự xanh của Thái Lan bằng cách sử dụng mô hình tiên tiến để dự đoán và giảm thiểu tác động kinh tế.

Thái Lan phát triển thành phố thông minh áp dụng các công nghệ xanh. Ảnh: The Nation 

Mô hình BCG+ cung cấp giải pháp để giải quyết bất bình đẳng thông qua các công việc xanh ở mọi trình độ kỹ năng, bảo đảm các cộng đồng dễ bị tổn thương-thường là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi BĐKH-được hưởng lợi từ nền kinh tế xanh. Cụ thể đó là bảo đảm tiếp cận công bằng với các nguồn lực, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, được hỗ trợ bởi các chính sách thúc đẩy những hoạt động bền vững, áp dụng mô hình ưu tiên các mục tiêu về môi trường và xã hội.

Phó thủ tướng Thái Lan Prasert Jantararuangthong mới đây cho biết quốc gia này sẽ thúc đẩy nền kinh tế xanh, bằng cách tận dụng lợi thế địa lý gần xích đạo với tiềm năng năng lượng mặt trời quanh năm. Chính phủ sẽ hỗ trợ để quốc gia này phát triển thành trung tâm sản xuất năng lượng sạch, bao gồm năng lượng mặt trời và các năng lượng thay thế khác, cũng như thúc đẩy thị trường điện tự do, giao dịch tín chỉ carbon. Những nỗ lực này nhằm đưa Thái Lan trở thành trung tâm của ASEAN về giao dịch tín chỉ carbon thông qua Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan, tạo ra một hình thức an ninh năng lượng mới cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu năng lượng trong ASEAN.

Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh BĐKH tác động không nhỏ tới nền kinh tế, nông nghiệp-một trụ cột quan trọng của kinh tế-phải chuyển đổi để phát triển mạnh mẽ. Nông nghiệp Thái Lan sử dụng khoảng 1/3 lực lượng lao động nhưng đang phải đối mặt với tình trạng năng suất giảm do các phương thức hoạt động lạc hậu và tình trạng khan hiếm tài nguyên. Các công nghệ xanh trong nông nghiệp, chẳng hạn như nông nghiệp chính xác và hệ thống tưới tiêu hiệu quả, sẽ là chìa khóa để tăng khả năng phục hồi và tính bền vững, bảo đảm nguồn cung cấp lương thực và giảm phát thải khí nhà kính.

Việc áp dụng các công nghệ xanh, từ năng lượng tái tạo đến sản xuất bền vững sẽ giúp Thái Lan đáp ứng nhu cầu toàn cầu về các sản phẩm thân thiện với môi trường. Hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ tập trung vào công nghệ xanh, đất nước có thể xây dựng một nền kinh tế xanh thịnh vượng, giải quyết cả các lỗ hổng về khí hậu và nguyện vọng kinh tế.

Theo ông Thammasak Sethaudom, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG của Thái Lan, Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình tự do hóa thương mại năng lượng sạch thông qua việc hiện đại hóa lưới điện, cho phép tất cả lĩnh vực tiếp cận năng lượng sạch dễ dàng hơn; hỗ trợ, phân bổ ngân sách cho phát triển nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp đạt được những tiêu chuẩn chứng nhận carbon quốc tế. 

Ngoài thách thức từ BĐKH, giới chuyên gia cũng cho rằng những mối đe dọa khác đối với mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao của Thái Lan còn bao gồm bẫy thu nhập trung bình do tăng trưởng trì trệ, sức cạnh tranh giảm sút, lực lượng lao động già hóa và bất bình đẳng gia tăng.

MAI NGUYÊN

Tags: Thái Lan
Lượt xem: 6
Nguồn:www.qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...