Cháy rừng lan rộng tại Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu nóng kỷ lục
Ngày 1-7, Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp (AFAD) của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, cháy rừng hoành hành ở tỉnh Izmir đã buộc hơn 50.000 người ở 41 khu định cư phải sơ tán.
Nhiều gia đình phải đi sơ tán khi cháy rừng lan rộng. Ảnh: Anadolu
Theo Bộ trưởng Lâm nghiệp Ibrahim Yumakli, ngọn lửa bùng phát dữ dội do gió mạnh lên tới 40-50 km/h ở khu vực Kuyucak và Doganbey thuộc tỉnh Izmir. 122 xe cứu hỏa, 74 xe chở nước, 84 máy móc hạng nặng cùng hơn 1.000 người đang cố gắng dập tắt đám cháy. Các hoạt động tại sân bay Izmir Adnan Menderes đã bị đình chỉ. Người dân ở làng Urkmez buộc phải chặt cây để tạo thành các hành lang ngăn đám cháy lan rộng.
Tổng cục Truyền thông cho hay, tổng cộng 263 vụ cháy đã bùng phát trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ trong ba ngày qua. Trong số đó, 259 vụ đã được kiểm soát.
Trong những năm gần đây, các vùng ven biển của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị tàn phá bởi cháy rừng khi mùa hè trở nên nóng hơn và khô hơn. Các nhà khoa học cho rằng, đây là kết quả của biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Cháy rừng gây thiệt hại nặng nề cho nhiều gia đình trong khu vực. Ảnh: Anadolu
Trong khi đó, các cảnh báo về sức khỏe đã được ban hành tại Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Bồ Đào Nha và Đức. Ngay cả Hà Lan, vốn có khí hậu ôn hòa hơn, cũng đã ban hành cảnh báo về nhiệt độ cao trong những ngày tới, cùng với độ ẩm cao. Nhiệt độ dự kiến sẽ đạt đỉnh vào ngày 2-7.
Bà Samantha Burgess, Trưởng nhóm chiến lược về khí hậu tại Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus của EU, cho biết: "Nhiều vùng rộng lớn ở Tây Âu đang trải qua tình trạng nắng nóng khắc nghiệt thường xảy ra vào tháng 7 hoặc tháng 8 thay vì tháng 6. Nhiệt độ ở một số địa điểm ấm hơn 5-10 độ C so với mức bình thường vào thời điểm này trong năm”.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã viết trên trang truyền thông cá nhân trong khi dự Hội nghị thượng đỉnh về tài trợ phát triển toàn cầu tại Seville (Tây Ban Nha), nơi nhiệt độ đang lên tới 42 độ C rằng: "Nóng cực độ không còn là hiện tượng hiếm gặp nữa - nó đã trở thành hiện tượng bình thường mới", đồng thời nhắc lại lời kêu gọi hành động thường xuyên của mình để chống lại biến đổi khí hậu. Ông nói thêm: "Hành tinh đang nóng lên và nguy hiểm hơn - không quốc gia nào là miễn nhiễm".
Tại Bồ Đào Nha, nhiệt độ cao kỷ lục vào ngày cuối cùng của tháng 6 là 46,6 độ C ở Mora, cách Thủ đô Lisbon khoảng 100km về phía đông. Chính quyền Bồ Đào Nha đã ban hành cảnh báo đỏ về nắng nóng cho 7 trong số 18 quận.
Tại Tây Ban Nha, nắng nóng dự kiến kéo dài đến ngày 3-7. Nhiệt độ kỷ lục được ghi nhận tại tỉnh Huelva, lên tới 46 độ C.
Tại Pháp, các vụ cháy rừng lớn đầu tiên trong mùa đã thiêu rụi 400 ha trong 2 ngày cuối tháng 6 tại khu vực Aude ở phía nam. Máy bay chữa cháy và khoảng 300 lính cứu hỏa đã được huy động. Khách du lịch đã được sơ tán khỏi một khu cắm trại trong khu vực.
Theo Anadolu, PBS