• :
  • :

Tín hiệu lạc quan từ nhóm cổ phiếu ngân hàng

Thị trường chứng khoán (TTCK) nước ta vừa chứng kiến một phiên giao dịch ngoạn mục khi chỉ số VN-Index đóng cửa ngày hôm qua (17-5) tăng 56,42 điểm (tương đương 4,81%), đạt mốc 1.228,37 điểm. Phiên tăng điểm kỷ lục trong lịch sử này của TTCK Việt Nam có sự đóng góp tích cực của cổ phiếu ngành ngân hàng với các mã chứng khoán tiêu biểu như: SHB, STB, TCB, LPB, VCB...

Thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất châu Á 

Xét về mặt tương đối, mức tăng trưởng 4,81% là con số cao nhất mà chỉ số VN-Index đạt được trong vòng hơn 25 tháng qua kể từ ngày 6-4-2020, đồng thời đưa Việt Nam trở thành TTCK tăng mạnh nhất châu Á trong phiên giao dịch ngày 17-5. Bên cạnh đó, không chỉ tăng mạnh về mặt điểm số mà thị trường còn tăng điểm đầy hưng phấn với 871 mã xanh và 216 mã tím (tăng điểm kịch trần). Những màu sắc này bao phủ thị trường như một tín hiệu đầy lạc quan giúp cởi bỏ tâm lý tiêu cực, chán nản của nhà đầu tư trong khoảng thời gian gần đây. 

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Ảnh: HỒNG NHUNG 

Ngoài ra, trong khi đa số các thị trường trong khu vực đang chịu áp lực rút vốn ròng, khối ngoại lại mạnh tay mua ròng thời gian qua phần nào cho thấy sức hấp dẫn của thị trường nước ta. Tính từ đầu tháng 4-2022, khối ngoại đã mạnh tay mua ròng đến 5.700 tỷ đồng, trong đó đóng góp chủ yếu đến từ các quỹ ETF (quỹ đầu tư hoán đổi danh mục) như DCVFM VNDiamond ETF và Fubon Vietnam ETF với khả năng hút vốn rất mạnh từ Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc). 

Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam có sự nhìn nhận tích cực về triển vọng dài hạn của TTCK nước ta. Theo quỹ ngoại này, mức định giá hiện tại của thị trường Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn, nổi bật khi so sánh với các thị trường trong khu vực. Dù vẫn còn những ẩn số trong ngắn hạn, tại mức định giá này, tiềm năng lợi nhuận dành cho các nhà đầu tư dài hạn là rất rõ ràng. Bên cạnh giá cổ phiếu giảm xuống, một yếu tố quan trọng khiến định giá thị trường trở nên hấp dẫn hơn chính là tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. 

Khối ngoại mạnh tay gom cổ phiếu SHB 

Trong một tuần gần đây, trên Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), mã cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) được mua ròng đứng thứ 3 về quy mô. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua vào hơn 2,5 triệu cổ phiếu, trong khi bán ra chỉ hơn 300.000 đơn vị. Tổng quy mô mua ròng đạt hơn 2,2 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 27,3 tỷ đồng. Cổ phiếu ngân hàng là nhóm dẫn dắt thị trường trong phiên ngày 17-5 (phiên giao dịch chấm dứt chuỗi giảm của VN-Index và đưa chỉ số này trở lại vùng 1.200 điểm). Kết thúc phiên, SHB nằm trong nhóm các mã ngân hàng tăng kịch trần với thanh khoản đạt hơn 11 triệu cổ phiếu.

Theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam, 2022 là năm hội tụ đầy đủ những yếu tố tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, tín dụng năm 2022 dự báo được cải thiện, nợ xấu giảm mạnh, lợi nhuận bình quân toàn ngành dự báo đạt mức tăng 30% so với năm 2021. Bên cạnh đó là nhiều thông tin hỗ trợ như một số ngân hàng đang triển khai việc bán vốn chiến lược; lợi nhuận đột biến ghi nhận từ việc bán bảo hiểm độc quyền; được chấp thuận tăng giới hạn cho nhà đầu tư nước ngoài

Năm 2021, mặc dù gặp không ít khó khăn bởi đại dịch Covid-19, song SHB đã gặt hái những thành công lớn: Tổng tài sản của SHB đạt 506.600 tỷ đồng, tăng 23% so với cuối năm 2020. Vốn tự có theo chuẩn Basel II đạt 53.114 tỷ đồng. Huy động vốn thị trường 1 đạt 379.000 tỷ đồng, tăng 12%; dư nợ cấp tín dụng đạt 369.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế của SHB đạt 6.260 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ, hoàn thành 102% kế hoạch năm. SHB đã hoàn tất việc chuẩn bị các nền tảng để tiến tới chuyển đổi phương pháp tính vốn nâng cao (FIRB), đáp ứng các chuẩn mực Basel III về rủi ro thanh khoản, sau khi đã hoàn thành trước hạn cả 3 trụ cột Basel II.

Cùng với đó, SHB đã chuyển giao dịch cổ phiếu của SHB từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang HOSE, tạo ra luồng gió mới đối với thị trường và các nhà đầu tư. Đồng thời, thoái 100% vốn của SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri-Thái Lan là thương vụ mua bán và sáp nhập giá trị cao thứ hai trong các thương vụ mua bán công ty tài chính tiêu dùng trên thị trường, đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông SHB, nâng cao năng lực tài chính và vị thế của ngân hàng.

Kế hoạch bứt phá năm 2022, SHB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng trên 12%, vốn điều lệ tăng trưởng 37% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế dự kiến tối thiểu 11.686 tỷ đồng, tăng 87%; dự kiến chia cổ tức năm 2022 từ 18%.  Hai chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất là nguồn vốn huy động và tổng dư nợ tín dụng, SHB dự kiến tăng lần lượt 9,8% và 14,4%, đạt 504.539 tỷ đồng và 421.715 tỷ đồng vào cuối năm nay; nợ xấu kiểm soát dưới 1,3%.

Trong giai đoạn tiếp theo, chuyển đổi số tiếp tục là trụ cột phát triển của SHB, hướng tới phát triển ngân hàng theo hướng hiện đại hóa, ngày càng kinh doanh hiệu quả và vươn tầm quốc tế. Đồng thời, SHB tiếp tục chú trọng xây dựng chiến lược phát triển khách hàng chuỗi giá trị, hệ sinh thái, lấy khách hàng làm trọng tâm, trong đó tập trung phát triển khách hàng mới, chú trọng phát triển phân khúc khách hàng mục tiêu, tệp khách hàng truyền thống, khách hàng đa ngành, khai thác hệ sinh thái khách hàng, đem lại hiệu quả cao, phù hợp với tiềm năng của vùng miền, địa bàn.

NGUYỄN ANH VIỆT

Tags: qdnd
Lượt xem: 174
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết