• :
  • :

Thu hút hiệu quả dòng vốn ngoại

Dù có những tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế và môi trường đầu tư của Việt Nam.

Vốn đăng ký điều chỉnh, vốn góp mua cổ phần tăng mạnh, khoảng 7,71 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào nước ta trong 5 tháng đầu năm 2022 cho thấy, Việt Nam vẫn là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn

Số liệu thu hút nguồn vốn FDI của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trái ngược với đà sụt giảm của vốn đăng ký mới, vốn điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng mạnh. Tính đến ngày 20-5, vốn đăng ký mới đạt gần 4,12 tỷ USD, giảm 53,4% so với cùng kỳ, nhưng tổng vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm đạt hơn 5,61 tỷ USD; tổng vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,98 tỷ USD, lần lượt tăng 45,4% và 51,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, 5 tháng đầu năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót khoảng 7,71 tỷ USD vào Việt Nam, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đầu tư sản xuất tại tỉnh Bắc Ninh.  Ảnh: THANH LINH 

Nhìn vào bức tranh thu hút FDI 5 tháng đầu năm 2022, nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn vốn đăng ký mới giảm là con số phản ánh đúng xu hướng chung của dòng vốn FDI toàn cầu suy giảm. Song, điều đáng mừng là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam tiếp tục đăng ký bổ sung thêm nguồn vốn, thực hiện giải ngân mạnh và tiếp tục góp vốn, mua cổ phần. Điều này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường Việt Nam. “Vốn đăng ký đầu tư rất quan trọng nhưng việc thực hiện được số vốn đã đăng ký còn quan trọng hơn cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự thành công trong kinh doanh ở nước ta”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh.

Việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn có nguyên nhân quan trọng từ những giải pháp rất hiệu quả của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân trong việc kiểm soát linh hoạt, hiệu quả dịch Covid-19 để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phục hồi phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, hiện nay, số dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn còn thấp; FDI chủ yếu tập trung ở một số ngành có trình độ công nghệ thấp để tận dụng chi phí lao động rẻ, hưởng ưu đãi đầu tư. Số lượng doanh nghiệp FDI thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) còn ít; hiệu quả kinh tế của nhiều doanh nghiệp FDI chưa tương xứng với quy mô vốn, năng lực và những ưu đãi đầu tư được hưởng; tình trạng chuyển giá, trốn thuế vẫn tồn tại...

Sẵn sàng các điều kiện để thu hút đầu tư

Những tháng cuối năm 2022, dòng vốn FDI vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và những nỗ lực phục hồi của nền kinh tế sau hai năm đóng cửa bởi dịch Covid-19. Việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P đã nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "ổn định” và dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5-7% từ năm 2023 tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư FDI đang ngày càng quyết liệt, nhất là trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế.

Vì vậy, bài toán “kép” đặt ra với Việt Nam là làm sao tăng cả lượng và chất trong thu hút FDI. Theo đó, Việt Nam cần tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư, như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia.     

Chia sẻ rõ về điều này, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp có liên quan đến FDI; nâng cao hiệu quả công tác cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, rà soát hệ thống chính sách về đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn. “Đặc biệt, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quyết định về Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả khu vực FDI, chỉ đạo các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương thực hiện nghiêm chỉnh trong quá trình thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI”, ông Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Còn từ góc độ địa phương có nhiều điểm sáng trong thu hút FDI chất lượng cao, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho hay, một trong những yếu tố quan trọng giúp Bắc Ninh thành công trong thu hút FDI đó là luôn đồng hành với doanh nghiệp; coi thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của tỉnh. Thời gian qua, Bắc Ninh đã kiên định thực hiện thu hút đầu tư theo hướng thu hút các dự án có suất vốn đầu tư cao, hiệu quả cao để thu về ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao. Trong khi đó, Bắc Ninh sẽ sẵn sàng về mặt bằng, nguồn nhân lực, cải cách và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư. 

MINH ĐỨC

Tags: qdnd
Lượt xem: 121
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết