• :
  • :

Những hệ quả tác động từ việc Fed giảm lãi suất cao hơn mọi dự báo

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất tới 0,5% là cao hơn mọi dự báo, cũng là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2020, đã gây bất ngờ cho thị trường tài chính.

breaking_19.jpg

Bản tin "gây sốc" với thị trường tài chính toàn cầu. Ảnh: CNBC

Đây được xem là động thái gây bất ngờ, trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu “nín thở” chờ mức giảm nhẹ nhàng hơn là 0,25%. Thậm chí, Thành viên Hội đồng thống đốc Fed Michelle Bowman từng lên tiếng kêu gọi ủng hộ mức giảm này.

Trước đó, Fed đã nâng lãi suất 11 lần từ tháng 3-2022 đến tháng 7-2023 để ghìm lạm phát. Tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 2,5%, giảm đáng kể so với mức đỉnh 9% so với cùng kỳ năm 2022.

Lý giải quyết định giảm nhiều hơn mọi dự báo, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, mức giảm có mục tiêu giữ lạm phát ổn định và đảm bảo tỷ lệ thất nghiệp không cao hơn. Cũng theo quan chức này, việc lạm phát giảm và thị trường lao động ổn định là trụ cột quan trọng cho mức giảm lịch sử.

“Các nhà đầu tư nên coi việc lãi suất giảm mạnh tới 0,5% là cam kết mạnh mẽ của Fed đối với mục tiêu trên” - Chủ tịch Fed cho biết, đồng thời nêu rõ, không nhận thấy nguy cơ gia tăng rủi ro suy thoái kinh tế sau đợt cắt giảm siêu lớn này.

Chủ tịch Fed cũng khẳng định, kỷ nguyên “tiền rẻ” - với hàng nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ, trái phiếu dài hạn… giao dịch ở lãi suất âm - sẽ không quay trở lại.

Trong thông báo đưa ra về lần giảm này, Fed cũng khẳng định niềm tin đối với việc lạm phát sẽ hạ nhiệt bền vững, hướng về 2%. Thực tế, chỉ số chi tiêu cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát chủ chốt của Fed - đã "phát tín hiệu" hạ nhiệt suốt 2 năm qua.

Mặt khác, tăng trưởng việc làm gần đây của Mỹ tuy giảm, nhưng số liệu vẫn tích cực. Doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp tháng 8 vượt dự báo. Dự báo của Fed Atlanta cho thấy, Mỹ có thể tăng trưởng 3% trong quý III-2024. "Xác suất thị trường lao động và lạm phát đạt mục tiêu là ngang nhau" - Fed nêu rõ trong thông báo đưa ra.

jerome_19.jpg

Chủ tịch Fed Jerome Powell trong buổi họp báo công bố giảm lãi suất. Ảnh: CNBC

Sau lượt điều chỉnh lãi suất mới nhất của Fed, thị trường tài chính ngay lập tức có phản ứng. Chứng khoán Mỹ chứng kiến chỉ số công nghiệp Dow Jones (DJIA) tăng 0,36%, lên 41.755,91 điểm. Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng tăng thêm lần lượt 0,7% và 0,9%.

Theo Giám đốc đầu tư toàn cầu Rick Rieder của tập đoàn quản lý tài sản BlackRock, các nhà đầu tư chứng khoán nên tận dụng tối đa "thời kỳ hoàng kim của thu nhập cố định" trong bối cảnh Fed giảm lãi suất mạnh, cảnh báo nhóm cổ phiếu công nghệ sẽ không thể tiếp tục tận hưởng “cơn sốt” tăng giá trị như thời gian vừa qua.

Hành động của Fed không chỉ giới hạn ở Mỹ, mà sẽ tác động sâu sắc đến thị trường ngoại hối do ảnh hưởng của chúng đến giá trị của USD, đồng tiền dự trữ toàn cầu.

"Chúng sẽ tạo ra một hiệu ứng lan tỏa ở các nơi khác trên thế giới", Reena Aggarwal, Giám đốc Trung tâm Psaros về thị trường tài chính và chính sách của Đại học Georgetown cho biết. Chỉ số đồng USD, thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với các đồng tiền mạnh khác, đã giảm 0,54% sau khi điều chỉnh mới được công bố.

Với thị trường vàng, giá vàng thế giới đã đạt mức cao kỷ lục từ trước khi Fed công bố quyết định mới bởi nhà đầu tư kỳ vọng kim loại quý được hưởng lợi nhờ động thái giảm lãi suất.

Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất cao thường là lực cản đối với vàng vì tài sản này không tạo ra thu nhập cố định như trái phiếu. Vì thế, ngay sau khi đợt tăng được công bố, giá vàng thế giới tiếp tục tăng thẳng đứng gần 30 USD, lên 2.596 USD mỗi ounce.

Ngoài vàng, dầu thô và các loại hàng hóa thường được định giá bằng USD cũng được dự báo sẽ hưởng lợi khi Fed hạ lãi suất.

Chi phí vay USD thấp hơn cũng được kỳ vọng sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và tăng nhu cầu hàng hóa. Lãi suất tham chiếu của Fed áp dụng cho các khoản vay qua đêm liên ngân hàng. Đây không phải mức lãi người tiêu dùng và doanh nghiệp phải trả, nhưng những tác động từ lãi suất cho vay và tiết kiệm được dự báo sẽ lan tỏa mạnh mẽ.

Cụ thể, khi lãi suất thấp, chi phí đi vay rẻ hơn. Doanh nghiệp có thể đầu tư vào các dự án mới hoặc tuyển thêm nhân viên khi tiền lãi giảm đi. Tương tự, người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn do gửi tiết kiệm kém hấp dẫn. Dù vậy, các nhà kinh tế học cho rằng, phải mất ít nhất là một năm, tác động từ điều chỉnh lần này mới thể hiện rõ rệt trong nền kinh tế.

Với mức lãi suất mới tại Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á khác có nhiều dư địa hơn để thực hiện các chính sách nới lỏng và thúc đẩy tăng trưởng.

Nhìn xa hơn, các nhà quan sát cho rằng, lần giảm này báo hiệu chu trình “marathon” nới lỏng chính sách tiền tệ của Washington đã bắt đầu, và các nền kinh tế liên đới cần có lộ trình thích ứng phù hợp.

Điều này càng quan trọng khi Fed đã nêu rõ, sẵn sàng điều chỉnh chính sách tiền tệ nếu có rủi ro phát sinh, đồng thời dự báo lãi suất tham chiếu sẽ giảm thêm 0,5% cuối năm 2024 và 1% vào năm 2025. Sang 2026, Fed dự kiến hạ tiếp 0,5% để đưa lãi suất về 2,75-3%.

Lượt xem: 6
Nguồn:hanoimoi.vn Sao chép liên kết