• :
  • :

Nhiều giải pháp kích cầu, khôi phục thị trường lao động

Thị trường lao động đang dần phục hồi với những dấu hiệu tích cực. Ghi nhận các phiên giao dịch việc làm gần đây trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận cho thấy, các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn chỉ tiêu/phiên, với các vị trí việc làm đa dạng, mức thu nhập hấp dẫn, từ 5-20 triệu đồng/tháng.

Thị trường trong và ngoài nước đều cần số lượng lớn

Ghi nhận tại Phiên giao dịch việc làm (GDVL) thanh niên tại huyện Đông Anh diễn ra cuối tuần qua, 48 doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh 3.328 chỉ tiêu (trong đó tuyển dụng, xuất khẩu lao động 2.528 chỉ tiêu, tuyển sinh 800 chỉ tiêu). Trước đó, tại Phiên GDVL trực tuyến kết nối 7 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang) diễn ra ngày 24/2 có 90 đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng 19.345 chỉ tiêu; riêng tại hệ thống Sàn GDVL Hà Nội có 34 doanh nghiệp cần tuyển 1.030 lao động.

Tham gia tuyển dụng tại Phiên GDVL thanh niên tại huyện Đông Anh ngày 12/3, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty Cổ phần Cơ khí Đông Anh Licogi cho biết, công ty hiện có hơn 6.000 lao động và đang có nhu cầu mở rộng sản xuất nên cần thêm hơn 100 lao động. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2022 đến nay, do ảnh hưởng từ dịch bệnh, công ty đã có 252 lao động là F0, 150 lao động là F1.

Nhiều giải pháp kích cầu, khôi phục thị trường lao động
Người lao động tìm việc tại Phiên GDVL thanh niên huyện Đông Anh năm 2022. Ảnh: B.D

Với số lượng nhân lực là F0, F1 tăng chóng mặt, khiến công ty càng chật vật tìm lao động. Theo bà Hương, hiện Công ty cần tuyển các vị trí như kế toán, nhân viên hành chính nhân sự… (thu nhập từ 12-14 triệu đồng/tháng), công nhân (thu nhập từ 10 triệu đồng/tháng trở lên) đi kèm các chế độ đãi ngộ với NLĐ như: Thưởng tháng lương thứ 13, tặng quà các dịp lễ, tết... nhưng số lượng lao động ứng tuyển còn rất hạn chế.

Thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài, ông Lê Ngọc Hữu - Phụ trách tuyển dụng Công ty cổ phần Jvnet cho biết: Sau 2 năm tạm trì hoãn vì dịch bệnh, nên hiện nay nhu cầu tuyển lao động của các đối tác Nhật Bản đã tăng trở lại. Hiện, Công ty có nhu cầu tuyển dụng từ 1.500-1.800 lao động sang Nhật Bản làm việc trong các ngành nghề: Lao động nữ làm về thực phẩm, điện tử, cơm hộp, kiểm tra sản phẩm, hàng hóa; lao động nam về cơ khí, xây dựng, điều khiển máy móc… với mức thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo ông Hữu, qua các phiên GDVL và các kênh tuyển dụng, nhiều NLĐ vẫn e dè về dịch bệnh, nên chưa mạnh dạn làm hồ sơ.

Đẩy mạnh “kích cầu” lao động

Chia sẻ về các giải pháp hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết: Sau đợt dịch bùng phát lần thứ tư, thị trường lao động Hà Nội chịu ảnh hưởng không nhỏ, tuy nhiên, Sở LĐTBXH đã phối hợp với các sở, ngành tích cực tham mưu cho Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có những chính sách, giải pháp, tích cực để nhanh chóng phục hồi thị trường lao động Thủ đô. Đến nay, thị trường lao động đã dần hồi phục và hoạt động bình thường trở lại.

Tuy nhiên, theo thống kê của Sở LĐTBXH thành phố Hà Nội, do tác động của dịch bệnh khiến lượng lao động là F0, F1 tăng cao; bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phục hồi đã tăng cường quy mô, mở rộng sản xuất, nên trên địa bàn Thủ đô hiện có sự thiếu hụt lao động nhất định - khoảng hơn 50.000 lao động - tập trung vào những ngành, nghề như: Dịch vụ, sản xuất, xây dựng…

Để khắc phục tình trạng trên, ông Dân cho biết, Sở đã có những giải pháp cụ thể, đó là: Đối với NLĐ chưa đáp ứng được công việc do thiếu hụt về trình độ, kỹ năng… sẽ được tổ chức đào tạo ngắn hạn, dài hạn để đáp ứng nguồn cung cho doanh nghiệp, qua đó giúp việc kết nối cung - cầu lao động được tiệm cận gần nhau hơn, doanh nghiệp nhờ đó sẽ tuyển dụng được nguồn nhân lực qua đào tạo để nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh.

“Thời gian tới, Sở LĐTBXH sẽ phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện thị xã trên địa bàn Thành phố tiếp tục khảo sát, rà soát nhu cầu tìm việc làm của NLĐ và nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đơn vị để tiếp tục thúc đẩy kết nối cung - cầu lao động”, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH thành phố Hà Nội thông tin.

Nhiều giải pháp kích cầu, khôi phục thị trường lao động
Người lao động tham gia ứng tuyển tại Phiên GDVL do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức

Ông Dân cũng cho biết, năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Sàn GDVL thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”, giao cho Sở LĐTBXH phối hợp với các sở, ngành và quận, huyện triển khai hiệu quả nhất. Theo đó, hiện nay, Hà Nội có 15 điểm, sàn GDVL vệ tinh đặt ở 13 quận, huyện, thị xã, trong đó 2 sàn GDVL chính đặt tại quận Cầu Giấy và Hà Đông.

Tới đây, Sở sẽ rà soát và nâng các điểm, sàn đó thành Sàn GDVL vệ tinh. Như vậy, Hà Nội sẽ có 1 sàn GDVL trung tâm và 13 sàn vệ tinh tại 13 quận, huyện, thị xã để tạo điều kiện cho NLĐ không phải đi xa tìm việc, tiết kiệm được thời gian và chi phí; các doanh nghiệp trên địa bàn có đặt hệ thống sàn GDVL vệ tinh có thể kết nối nhu cầu ngay tại nơi đó. Như vậy, nhà tuyển dụng và NLĐ có nhiều cơ hội tiếp xúc gần với nhau hơn.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã tổ chức 2 phiên GDVL online kết nối với các tỉnh, thành phố phía Bắc, để Hà Nội cung ứng nguồn lao động cho các nhà tuyển dụng tại các tỉnh, đồng thời thu hút, kết nối NLĐ các tỉnh lân cận tới làm việc cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ông Dân cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục linh hoạt tổ chức các phiên GDVL trực tiếp kết hợp với online để hỗ trợ NLĐ và doanh nghiệp hiệu quả nhất.

Chia sẻ về tiềm năng của thị trường xuất khẩu lao động, Phó Giám đốc Sở LĐTBHXH thành phố Hà Nội cho biết: Hiện, các thị trường lao động như Nhật Bản, Hàn Quốc đang có nhiều tín hiệu đáng mừng và khả quan, mở rộng cửa, đón lao động nước ngoài vào làm việc. Các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động đi các thị trường này đã cung cấp thông tin cho Sở, nguồn lao động đi xuất khẩu và thực tập sinh cũng khá dồi dào.

“Với chỉ tiêu năm nay Hà Nội đặt ra là hơn 3.500 lượt NLĐ được đi xuất khẩu lao động, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện đạt chỉ tiêu; tiếp tục khảo sát nhu cầu đi xuất khẩu lao động của NLĐ trên địa bàn Thành phố để cung ứng nguồn lao động và tiếp tục đào tạo NLĐ có đủ trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng của các doanh nghiệp ở nước ngoài”, ông Dân cho biết.

Thông tin thêm về các giải pháp hỗ trợ khôi phục thị trường lao động, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết: Cục Việc làm đã trực tiếp chỉ đạo 63 Trung tâm Dịch vụ việc làm trên toàn quốc tổ chức các phiên GDVL tại địa phương và kết nối với các tỉnh, thành phố khác; tổ chức phiên GDVL kết nối các tỉnh, các cụm, thậm chí là hai miền Nam - Bắc để kịp thời cung ứng nguồn lao động. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình phục hồi lao động của Bộ LĐTBXH, tại các địa phương, các Sở LĐTBXH sẽ phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ NLĐ để quay trở lại thị trường lao động như: Giảm tiền nhà trọ, hỗ trợ tiền đi lại…

Ông Bình cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hiện, Bộ LĐTBXH đang xin ý kiến các địa phương, các bộ, ngành trình Chính phủ quyết định hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ để giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động; đồng thời sẽ có nguồn vốn cho NLĐ vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội… “Mọi hoạt động GDVL, kích cầu lao động đang được thúc đẩy mạnh mẽ với nỗ lực cao nhất để đảm bảo cho doanh nghiệp có lao động và hỗ trợ cho NLĐ sớm quay trở lại thị trường lao động an toàn trong mùa dịch”, ông Bình khẳng định./.

Bảo Duy
Lượt xem: 364
Tác giả: Mai Phương Thảo
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...