• :
  • :

Làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán

LTS: Giữa bối cảnh nền kinh tế tê liệt vì đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam lại bứt phá ngoạn mục, tạo nên những “con sóng thần” đẩy các chỉ số lên đỉnh cao nhất mọi thời đại, và rồi “đạp” các nhà đầu tư xuống đáy “đau thương”…

Nhằm phản ánh những biến động trong thời gian hơn một năm qua trên TTCK Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân Điện tử tổ chức loạt bài “Làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán”. Cùng đi sâu phân tích, loạt bài ghi nhận nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế, những nhà quản lý để có những kiến nghị, giải pháp để TTCK phát triển lành mạnh.

Bài 1: Con sóng thần” trên thị trường chứng khoán Việt

Trong hơn một năm, chỉ số VN-Index tăng-giảm tới khoảng 40%, từ mốc 1.120 điểm (ngày 4-1-2021) lên mức đỉnh 1.528 điểm (ngày 6-1-2022), rồi “rơi” về 1.171 điểm (ngày 16-5-2022). Sự biến động của TTCK Việt Nam, ở góc độ vĩ mô, đã tạo ra những hiểm họa khôn lường đối với nền kinh tế. Đối với giới đầu tư, ban đầu, sự biến động của thị trường đã đem tới những khoản lợi nhuận khổng lồ, nhưng rồi, tất cả đã “trôi theo con sóng”.

Con sóng giữa đại dịch

Sự tăng trưởng vượt bậc của TTCK Việt Nam thực sự không phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế. Trong lúc dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh, cả nền kinh tế gần như chỉ hoạt động cầm chừng thì TTCK lại đặc biệt sôi động. Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, tới cuối tháng 3-2022, tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân đạt gần 5 triệu. Số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường liên tục phá kỷ lục phản ánh chứng khoán ngày càng trở thành kênh đầu tư phổ biến.

Tính từ đầu năm 2021 đến hiện tại, VN-Index đã thiết lập đỉnh 1.528 điểm (trong phiên có lúc vượt ngưỡng 1.600 điểm) với những phiên giao dịch trung bình trên sàn HOSE đạt 25-30 nghìn tỷ đồng (cá biệt có những phiên đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng).

Cùng với sự giam gia tích cực của các nhà đầu tư cá nhân, TTCK tăng mạnh còn có nguyên nhân là do Chính phủ Việt Nam và hầu hết chính phủ các nước trên thế giới đều bơm tiền ra rất nhiều để cứu nền kinh tế do bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Lượng tiền được đưa vào nền kinh tế để kích thích tiêu dùng nhưng với tâm lý lo sợ dịch bệnh, phần lớn dòng vốn đưa lại vào thị trường đầu tư. Dòng tiền đó mạo hiểm hơn, tìm kiếm những tài sản mang tính rủi ro cao hơn như trên TTCK.

Trong đại dịch Covid-19, chứng khoán là kênh thu hút đầu tư hấp dẫn. Ảnh: Vietnam+

Mặt khác, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến TTCK Việt Nam trở thành “thỏi nam châm” hút tiền là do Việt Nam đã kiểm soát được dịch Covid-19 và tạo điều kiện phục hồi kinh tế, lợi nhuận của các doanh nghiệp khả quan hơn. Đồng thời, nhiều cổ phiếu của các ngành hưởng lợi từ dịch bệnh như công nghệ thông tin, viễn thông, thương mại điện tử, xây dựng... đã tăng giá mạnh.

Cũng nhằm kích thích nền kinh tế, lãi suất ngân hàng liên tục xuống thấp, trở thành nguyên nhân khiến nhà đầu tư bỏ tiền vào cổ phiếu hơn là gửi tiết kiệm hoặc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Thậm chí, việc giãn cách xã hội cũng khiến nhiều người quan tâm đến TTCK hơn, nhất là lợi nhuận từ kênh này hiện hấp dẫn hơn các kênh đầu tư hợp pháp khác.

Những chiêu trò bơm - xả

Một trong những nguyên nhân cơ bản làm nên “con sóng thần” trên TTCK Việt Nam thời gian qua là sự lũng đoạn của một số tổ chức, cá nhân. Tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá, trên thị trường cổ phiếu đã xuất hiện các hiện tượng như tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Một số cổ phiếu, nhóm cổ phiếu có biến động bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến tính minh bạch cũng như sự ổn định của thị trường.

Trên thị trường, chiêu thức thường xuyên được áp dụng là các đội “lái” – những nhóm người chuyên câu kết, thông đồng với nhau làm giá cổ phiếu nhằm hưởng lợi từ chênh lệch giá - bơm và xả cổ phiếu. Để “đánh” lên một cổ phiếu nào đó, trước tiên, đội “lái” đã gom một lượng lớn cổ phiếu này. Tiếp theo, họ tung ra những thông tin rất tích cực về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó, họ “phím hàng” trên các nền tảng mạng xã hội để thu hút các nhà đầu tư cá nhân. Kết quả, nhiều cổ phiếu “trà đá” bước vào giai đoạn tăng mạnh. Khi giá cổ phiếu tăng đến mức kỳ vọng, đội lái bắt đầu xả hàng, thu lợi lớn khiến giá cổ phiếu đột ngột giảm mạnh, để lại các khoản lỗ khổng lồ cho những người không thể thoát hàng.

Ngoài chiêu trò bơm - xả của các đội “lái”, chính một số chủ doanh nghiệp đang niêm yếu cũng trở thành “lái”. Những “lái” dạng này thường tung ra những bản báo cáo tài chính “đẹp”, những thông tin khả quan về các dự án của doanh nghiệp nhằm đánh lừa nhà đầu tư. Khi các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm “đớp thính”, chủ doanh nghiệp lặng lẽ xả số cổ phiếu mình đang nắm giữ.

Một trường hợp điển hình là ngày 29-3-2022, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã bị khởi tố, bắt với cáo buộc "thao túng" và "che giấu thông tin chứng khoán".

Một kiểu “bẫy” khác tinh vi hơn, có thể khiến cả những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm mắc phải là công ty có cổ phiếu niêm yết trên sàn sử dụng công ty chứng khoán sân sau để làm giá chính cổ phiếu công ty đó, hoặc đội “lái” kết hợp với ban lãnh đạo công ty mua gom cổ phiếu để đẩy giá. Sau đó họ tung tin đang khởi động các dự án khủng, lợi nhuận cao kết hợp với phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn… Các nhà đầu tư thấy giá cổ phiếu đang rẻ, thanh khoản tốt nên bị thu hút mua vào và sập bẫy lừa.

Tuy nhiên, sự không lành mạnh của thị trường, sự thao túng của nhiều cá nhân đã khiến nhà đầu tư mất niềm tin. Ảnh: CafeF.vn 

Những chiêu trò bơm - xả, thao túng giá cổ phiếu, giao dịch không công bố thông tin, giao dịch nội gián… vốn sinh ra và “đồng hành” với TTCK toàn cầu. Tuy nhiên, ở những TTCK phát triển, các điều luật nhằm điều chỉnh các hành vi này rất đầy đủ. Đặc biệt, các hành vi sai phạm trên TTCK bị xử lý rất nặng, đủ sức răn đe nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân.

So với một số TTCK trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, TTCK Việt Nam vẫn đang khá hấp dẫn với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Vì thế, xu thế dòng vốn từ cả trong và ngoài nước chảy vào TTCK Việt Nam là tất yếu. Tuy nhiên, chính xu thế này, cộng với việc thiếu kiểm soát có thể dẫn đến nguy cơ “bong bóng” trên TTCK. Trước phiên khai mạc Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhận xét rằng, TTCK “quá bất thường”, “sáng mưa, chiều nắng”, có những doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của TTCK, bất động sản, trái phiếu để trục lợi và Nhà nước buộc phải mạnh tay chấn chỉnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tags: qdnd
Lượt xem: 61
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết