Kinh tế 2022 - 2023: Xuất khẩu vững chắc với thế 'chân kiềng'
Với những diễn biến phức tạp, khó lường và dị biệt của tình hình thế giới năm 2022, kinh tế đất nước vẫn gặt hái nhiều thành tựu đáng kể. Đóng góp chung vào kết quả này, ngành công thương dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ đã linh hoạt giải pháp và chèo lái thành công để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao. Đặc biệt, xuất khẩu vẫn nổi lên với gam màu sáng ấn tượng và được ví như chân kiềng vững chắc trong tăng trưởng kinh tế đất nước.
Những con số ấn tượng
Nhìn nhận năm 2022, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biễn phức tạp, nhất là tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt.
Cùng đó, xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng; lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia và phòng, chống dịch COVID-19 ở một số nước dẫn tới các hệ lụy làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, tổng cầu thế giới giảm sút.
Ở trong nước, do tác động từ tình hình thế giới dẫn tới giá xăng dầu và một số nguyên liệu đầu vào trong nước liên tục tăng cao, đã ảnh hưởng đến nguồn cung, sức mua trong nước và tăng chi phí vốn sản xuất của doanh nghiệp… đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã đạt những kết quả đáng ghi nhận như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối vĩ mô được bảo đảm…
Theo ông Trần Thanh Hải, đóng góp vào thành tích chung đó, ngành công thương đã chủ động triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả đã đạt nhiều kết quả tích cực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao.
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế sụt giảm, nhưng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn vượt qua khó khăn và duy trì được mức tăng trưởng cao. Bộ Công Thương dự kiến, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2022; trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%).
Đáng lưu ý, có 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 mặt hàng so với năm 2021; trong đó, có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD; tăng hơn 1 mặt hàng so với năm 2021.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, năm 2022 là năm thắng lợi lớn của xuất khẩu trái cây. Với việc nhiều thị trường mở cửa cho mặt hàng trái cây tươi Việt Nam, dự đoán trong niên vụ mới, xuất khẩu các mặt hàng trái cây tươi sẽ tăng trưởng ít nhất 20% so với năm 2022, có thể chạm mốc 4 tỷ USD.
Tương tự, năm 2022 cũng là năm khởi sắc của ngành thuỷ sản với kim ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ cán đích với con số 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021. Đây được xem là mốc kỷ lục lịch sử của ngành thủy sản Việt Nam, sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2022, ước tính ngành thủy sản chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. So với tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, ngành thủy sản đóng góp gần 12% giá trị. Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2022 dự kiến tăng khoảng 8,5% so với năm 2021 và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm gần 90%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 6%.
Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế như tốc độ tăng xuất khẩu chậm lại bắt đầu từ quý IV, thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng.
Hơn nữa, một số mặt hàng chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm… đã ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng xuất khẩu chung của cả nước.
Mặc dù, xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn còn lớn. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI kể cả dầu thô chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó, giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn.
Ngoài ra, tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường và tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.
Hơn nữa, việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn hạn chế; năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa cao.
Chú ý quy định mới về tiêu chuẩn xanh
Đánh giá cao thành tích xuất khẩu trong năm 2022, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, xuất khẩu tăng cao so với năm trước thể hiện tính đúng đắn của chủ trương “bình thường mới”, mở cửa nền kinh tế và triển khai các chương trình, giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch của cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khách quan khác như thị trường xuất khẩu phục hồi do các nước đã triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine và chung sống với dịch COVID-19; lộ trình thuế nhập khẩu của các đối tác Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt.
Hơn nữa, sự chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp…. đã trở thành động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, năm 2023 thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều sức ép do diễn biến phức tạp của căng thẳng địa chính trị; lạm phát gia tăng. Việc này khiến Chính phủ nhiều nước thắt chặt chính sách tài khoá, tiền tệ; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy.
Vì vậy, để không bị loại khỏi “cuộc chơi”, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, cách làm và quan tâm hơn tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng trong thương mại quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe của thị trường.
Để xuất khẩu năm 2023 tăng trưởng mạnh và bền vững, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị cần theo dõi sát biến động của kinh tế thế giới và trong nước, chủ động đánh giá tác động của sự kiện đến sản xuất, xuất nhập khẩu mới có thể điều chỉnh, ứng phó thích hợp.
Ngoài ra, các đơn vị tăng cường thông tin dự báo thị trường hàng hóa, chính sách, quy định mới của thị trường để doanh nghiệp có phản ứng kịp thời; tiếp tục khai thác các lợi thế từ FTA và ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu…
Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài bám sát, theo dõi các quy định, chính sách mới ban hành của nước sở tại, nhất là quy định mới về tiêu chuẩn xanh với hàng hóa nhập khẩu.
Mặt khác, yêu cầu Thương vụ cập nhật thông tin thị trường, kịp thời tham mưu chính sách và khuyến nghị để địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược, phương thức kinh doanh phù hợp điều kiện phát triển, hướng tới xuất khẩu tăng trưởng bền vững.
Theo Uyên Hương