• :
  • :

Giá xăng dầu hôm nay (14-7): Giá xăng dầu tăng do lạm phát của Mỹ hạ nhiệt

Lạm phát của Mỹ hạ nhiệt và đồng USD giảm đã hỗ trợ giá xăng dầu tiếp tục tăng. Giá dầu Brent hướng tới mức 82 USD/thùng.

Giá dầu thế giới

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13-7, giá dầu tăng hơn 1% lên mức cao nhất trong gần 3 tháng sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ cho thấy lãi suất tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã gần chạm mức đỉnh.

Giá xăng dầu tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng, duy trì mức giá trên 80 USD/thùng. Ảnh minh họa: Businesstoday 

Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 1,25 USD, tương đương 1,6%, lên mức 81,36 USD/thùng. Trong phiên, giá dầu Brent đã có thời diểm chạm 81,57 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 25-4.

Giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,14 USD, tương đương 1,5%, lên mức 76,89 USD/thùng. Đáng chú ý là trong phiên, giá dầu WTI đã vượt ngưỡng 77 USD/thùng, chạm mức 77,13 USD/thùng - cao nhất kể từ ngày 26-4.

Ngày 12-7, Bộ Lao động Mỹ đã công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng khiêm tốn 0,2% trong tháng 6 và ghi nhận mức tăng hằng năm (3%) thấp nhất trong hơn hai năm.

Cũng theo cơ quan này, lạm phát của Mỹ đã giảm xuống 3% trong tháng 6. The Guardian phân tích, đây là mức tăng là nhỏ nhất kể từ tháng 3-2021 và giảm từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ là 9,1% ghi nhận hồi tháng 6-2022.

Nếu loại bỏ thực phẩm và năng lượng, lạm phát cơ bản của Mỹ tăng 4,8% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng này vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Vì vậy, nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 5,5% tại cuộc họp vào cuối tháng này.

Lo ngại Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất đã đẩy đồng USD xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4-2022. Đồng USD giảm đã hỗ trợ giá dầu tăng, John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC ở New York cho biết.

Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, nhận xét lạm phát hạ nhiệt tại Mỹ làm dấy lên lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất và điều này đã tạo ra một cơn gió ngược cho giá dầu.

Thị trường đang mong đợi Fed sẽ chỉ tăng lãi suất thêm duy nhất một lần nữa. Lãi suất cao hơn có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.

Kể từ tháng 3-2022, Fed đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp để kiềm chế lạm phát. Tháng trước, Fed đã giữ nguyên lãi suất để đánh giá lại tác động của những lần tăng lãi suất “khủng” trước đó.

Đồng USD giảm hỗ trợ đà tăng của giá xăng dầu. Ảnh minh họa: Reuters 

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA, cho biết giá dầu đã tăng hơn 11% trong hai tuần qua chủ yếu là do việc cắt giảm nguồn cung từ các nhà sản xuất dầu hàng đầu là Saudi Arabia và Nga.

Cấu trúc hợp đồng tương lai của dầu Brent chuẩn toàn cầu cho thấy thị trường đang thắt chặt và OPEC có thể đang thành công trong sứ mệnh hỗ trợ thị trường.

Theo Oilprice, những cơn gió ngược về kinh tế đã buộc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) phải cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu 220.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước. Tuy nhiên, báo cáo của IEA đưa ra ngày 13-7 vẫn dự đoán nhu cầu dầu sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, ở mức ở mức 102,1 triệu thùng/ngày.

Một báo cáo của OPEC cũng được công bố cùng ngày đã duy trì triển vọng lạc quan về nhu cầu dầu thế giới bất chấp sự suy yếu của nền kinh tế. OPEC đã nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2023 và dự đoán chỉ giảm nhẹ vào năm 2024, với Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 14-7 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 20.419 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 21.497 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 18.616 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 18.320 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 15.288 đồng/kg.

MAI HƯƠNG