• :
  • :

Dệt may linh hoạt ứng phó với biến đổi của thị trường

Ngành dệt may vừa trải qua một năm 2022 với nhiều cung bậc cảm xúc trái ngược: Dồi dào đơn hàng vào nửa đầu năm, nhưng sau đó phải “ăn đong” từng đơn vào những tháng cuối năm.

 Tuy nhiên, nhờ linh hoạt các giải pháp, xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2022 đã mang về hơn 44 tỷ USD, tăng 8,8% so năm 2021. Năm 2023, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn với ngành dệt may, nhưng ngành xuất khẩu chủ lực này vẫn quyết tâm đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 45 tỷ đến 48 tỷ USD.

Tăng trưởng trong bối cảnh đầy bất ổn

6 tháng đầu năm 2022, ngành dệt may thắng lớn với tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 15 năm trở lại đây, tăng 35-40% so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng cao này nhờ lượng đơn hàng tăng vọt. Theo lý giải của các doanh nghiệp (DN), sau gần hai năm giãn cách xã hội, người tiêu dùng ở nhiều quốc gia xuất hiện tâm lý “quá mua”, tức mua nhiều hơn thông thường. Nhưng tình hình đảo chiều ở nửa cuối năm. Giai đoạn này, đơn hàng sụt giảm do ảnh hưởng của lạm phát, khiến người dân tại các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cắt giảm chi tiêu; cùng những yêu cầu khắt khe từ phía các quốc gia nhập khẩu về cam kết phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu... Đặc biệt, trong quý IV-2022, nhiều DN trong ngành rơi vào tình thế khó khăn khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản, thậm chí có đơn vị giảm đơn hàng lên tới 70-80%. Đối mặt với những biến động của thị trường, buộc các DN chấp nhận làm những mặt hàng trước nay chưa từng làm, cố gắng tìm kiếm đơn hàng.

Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty Cổ phần May 10

Chia sẻ về những nỗ lực của DN trong năm 2022, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10 cho biết, trong khi chi phí nguyên, nhiên liệu liên tục tăng cao thì nguồn hàng những tháng cuối năm gặp nhiều khó khăn, số lượng đơn hàng giảm 10-15%, đơn hàng nhỏ, lẻ phức tạp, giá giảm 15-30%... Để duy trì sản xuất, giữ việc làm cho người lao động, DN đã làm cả những đơn hàng thời trang đòi hỏi yêu cầu chất lượng cao hơn, số lượng nhỏ lẻ hơn và thời gian giao hàng ngắn hơn. Cùng với đó, Tổng công ty Cổ phần May 10 tập trung phát triển thị trường nội địa, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; triệt để tiết kiệm trên tất cả mọi lĩnh vực, tại từng vị trí, trong từng hoạt động... Năm 2022, tổng doanh thu của Tổng công ty Cổ phần May 10 vẫn tăng 18,42% so với kế hoạch, tăng 27,93 % so với năm 2021; lợi nhuận tăng 8,33% so với kế hoạch, tăng 41,97% so với năm 2021. Cũng linh hoạt, nhạy bén trong công tác dự báo thị trường và điều hành, trong bối cảnh khó khăn, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) vẫn cán đích với lợi nhuận hợp nhất đạt 1.090 tỷ đồng, vượt 14,6 % kế hoạch. Hiện tại, Vinatex vẫn chưa phải thực hiện việc giảm lao động. Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex, để ứng phó với tình trạng bất ổn của thị trường, đối với ngành sợi, ngoài việc tìm kiếm khách hàng mới, Vinatex đã tăng cường kết nối trong chuỗi sản xuất ngành dệt và ngành may của Tập đoàn nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sợi. Đối với ngành may, Vinatex đã tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng nhỏ để bảo đảm duy trì sản xuất và giữ chân người lao động; nghiên cứu khả năng chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu thị trường.

Nhìn lại kết quả của ngành dệt may trong năm 2022, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dù sản xuất chững lại trong các tháng cuối năm nhưng nhờ mức tăng trưởng cao trong nửa đầu năm đã giúp ngành dệt may vẫn cán đích xuất khẩu với kết quả tốt. “Đây là nỗ lực tuyệt vời của DN trong việc nhanh nhạy chuyển đổi sang quản trị số, tập trung phát triển chuỗi cung ứng, bắt kịp xu thế sản xuất xanh. Cùng với đó là sự hỗ trợ từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã

Chú trọng khai thác thị trường nội địa

Theo nhận định của nhiều DN, khó khăn đối với ngành dệt may sẽ còn kéo dài đến giữa năm 2023. Các yếu tố chính tác động đến thị trường năm 2023 đó là: Lãi suất tăng cao, lạm phát chưa có xu hướng hạ nhiệt, căng thẳng địa chính trị giữa một số quốc gia... Năm 2023, ngành dệt may đưa ra hai kịch bản tăng trưởng xuất khẩu. Kịch bản tích cực, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 47-48 tỷ USD với kỳ vọng thị trường hồi phục vào nửa cuối năm sau. Kịch bản kém tích cực hơn, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu dệt may khoảng 45-46 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu năm này, ông Vũ Đức Giang khuyến cáo các DN tập trung đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, giải quyết phần cung thiếu hụt; xây dựng giải pháp phát triển đầu tư công nghệ tự động hóa, quản trị số, đầu tư đi đôi với bảo vệ môi trường, xanh hóa ngành dệt may Việt Nam. Đặc biệt, ngành dệt may cần giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, chuyển dần trọng tâm sang khai thác thị trường nội địa. “Với quy mô dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là thị trường tiêu thụ dệt may tiềm năng cho các DN. Tuy nhiên, chưa nhiều DN dệt may trong nước chú trọng xây dựng thương hiệu và khai thác thị trường này”, ông Vũ Đức Giang thông tin.

Đứng ở góc độ DN, ông Lê Tiến Trường cho rằng, các DN dệt may đã không còn hoang mang trước những bất định của thị trường, thay vào đó đã chủ động, sẵn sàng các giải pháp ứng phó với điều kiện kinh doanh không tích cực. Đối với Vinatex, trong mọi hoàn cảnh cần bảo vệ được hai nguồn tài sản quý nhất của DN là người lao động và vị trí trong chuỗi cung ứng, giữ vững quan hệ với khách hàng. Cùng với đó, Vinatex tập trung nguồn lực xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, chuyển đổi số, đầu tư công nghệ tự động hóa.... "Vinatex chấp nhận giảm mức lợi nhuận xuống để có đơn hàng duy trì ổn định nguồn lao động. Đây là nền tảng khi thị trường hồi phục sẽ nhanh chóng tổ chức sản xuất, chớp lấy các cơ hội", ông Lê Tiến Trường chia sẻ. 

Bài và ảnh: VŨ DUNG

Tags: Dệt may