• :
  • :

Đầu tư hạ tầng, đòn bẩy cho sức bật của kinh tế Long An

Để tạo nền tảng vững chắc góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trong giai đoạn mới, Long An hiện đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng. Kỳ vọng, sự đồng bộ của hệ thống hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đô thị, nâng cao đời sống người dân.

Tầm nhìn phát triển bền vững

Tỉnh Long An có tổng diện tích tự nhiên là 449.234,5ha, vừa thuộc vùng TP Hồ Chí Minh, vừa thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với vị trí như vậy, Long An đóng vai trò cầu nối phát triển giữa hai vùng.

Vai trò, vị thế của Long An được nhìn nhận quan trọng với hầu hết các tỉnh phía Nam của nước ta, đặc biệt là các tỉnh ven biển Đông trong mối quan hệ nội vùng, ngoại vùng và quốc tế. Cùng với TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Phước, Bình Dương và Tây Ninh, Long An là một trong 5 đơn vị hành chính cấp tỉnh của vùng có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua. Tuyến đường này cũng được xác định là trục hành lang kinh tế - đô thị cấp quốc gia.

Đầu tư hạ tầng phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội

Long An đầu tư hạ tầng phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội

Do nằm gần TP Hồ Chí Minh, một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, tỉnh Long An dễ dàng thu hút được nhiều nguồn đầu tư. Tỉnh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nước láng giềng Campuchia; Hầu hết các hoạt động xuất phát từ Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hướng về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hoặc ngược lại đều đi qua địa phận tỉnh Long An.

Vì thế, tỉnh Long An có vị thế chiến lược đầy tiềm năng. Từ đó có thể thấy, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của Long An là rất quan trọng, không những đáp ứng nhu cầu vận chuyển của tỉnh mà còn phải đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của khu vực.

Xác định được tầm quan trọng đó, trong nhiều năm qua, Long An chọn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là chương trình đột phá; Xây dựng các công trình giao thông huyết mạch, kết nối giao thương là công trình trọng điểm.

Tỉnh đã chủ động đi trước trong phát triển hệ thống giao thông, tạo ra một sự khác biệt rõ nét, giành thế chủ động trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Bên cạnh những thành quả về phát triển KT-XH đã đạt được, phát triển hạ tầng giao thông của Long An cũng được đánh giá là điểm sáng, là một trong những tỉnh có hệ thống hạ tầng giao thông tốt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Đường tỉnh 830 là tuyến đường quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế tỉnh Long An

Đường tỉnh 830 là tuyến đường quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế tỉnh Long An

Từ đó, nhiều tuyến đường được hoàn thành, phát huy hiệu quả, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển. Điển hình như đường tỉnh (ĐT) 830 đi qua các địa bàn trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh từ huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước và điểm cuối Cảng quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc) với chiều dài toàn tuyến khoảng 55km; ĐT823, ĐT816, một số tuyến đường kết nối các khu, cụm công nghiệp, các đô thị mới được hình thành.

Giai đoạn 2021-2025, ngành Giao thông vận tải được UBND tỉnh Long An giao nhiệm vụ triển khai 3 công trình trọng điểm: Đường vành đai TP Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây; Đường tỉnh 830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến đường tỉnh 830); Đường tỉnh 827E (Quốc lộ 50B).

8 công trình nằm trong chương trình đột phá về giao thông gồm: Đường Lương Hòa - Bình Chánh; Đường Hựu Thạnh - Tân Bửu; Đường tỉnh 826E; Đường kết nối đường dẫn vào cầu Rạch Dơi đến ĐT826E; trục động lực Đức Hòa; Đường Tân Tập - Long Hậu; Nâng cấp, mở rộng ĐT824; Nút giao đường Hùng Vương - Quốc lộ 62.

Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ này, tỉnh Long An được Quốc hội và Chính phủ giao triển khai, thực hiện hai công trình giao thông trọng điểm quốc gia gồm đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và đường vành đai 4 TP Hồ Chí Minh.

Theo các chuyên gia, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Long An được tập trung đầu tư đồng bộ, hoàn thiện là một trong những yếu tố quyết định thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương. Minh chứng, nhiều doanh nghiệp thứ cấp tiết kiệm được thời gian, chi phí, thuận lợi vận chuyển hàng hóa, tăng lợi nhuận, phát huy hiệu quả về đầu tư.

Đường Vành đai TP Tân An dần về đích

Đường vành đai TP Tân An dần về đích

Phát huy kết quả đã đạt, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, phục vụ sự phát triển trong giai đoạn mới. Hoàn thiện đường Vành đai TP Tân An là một trong những công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Hiện nay, công trình sắp hoàn thành.

Ông Đặng Hoàng Tuấn - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An cho biết: “Hoàn thiện hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh chú trọng thực hiện. Tỉnh bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ, hoàn thiện các công trình giao thông. Khi hoàn thành, các tuyến đường phục vụ tốt nhu cầu đi lại, giao thương, tạo sự liên kết vùng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Thời gian qua, mặc dù còn gặp khó khăn, nhất là vướng mặt bằng nhưng với sự hỗ trợ, quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các địa phương... những công trình trong chương trình đột phá, công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh cơ bản đạt kế hoạch. Nhiều công trình, dự án được hình thành, từng bước xây dựng hệ thống kết nối".

Đầu tư hạ tầng xã hội, đặt cộng đồng là trọng tâm phát triển

Ngoài đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội cũng được tỉnh quan tâm đầu tư, hoàn thiện. Nhiều công trình, dự án phục vụ lợi ích cộng đồng được hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả như: Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc, những công trình trường học được đầu tư khang trang, hiện đại, bảo đảm việc dạy và học trên địa bàn...

Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười với quy mô 500 giường

Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười với quy mô 500 giường

Điển hình như, dự án nâng cấp, mở rộng Trung tâm Y tế huyện Thạnh Hóa với tổng mức đầu tư trên 33 tỷ đồng được tỉnh đầu tư trong giai đoạn 2021-2023. Dự án khi hoàn thành sẽ bảo đảm quy chuẩn y tế, môi trường khám, chữa bệnh sạch sẽ, khang trang, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại cơ sở, giảm tải cho y tế tuyến trên. dự án gồm xây khối nhà chính và cải tạo thêm một số hạng mục khác.

Bên cạnh đó, dự án cải tạo, sửa chữa Bệnh viện Đa khoa Long An được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư 224,8 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 126,8 tỷ đồng; Chi phí thiết bị 76,7 tỷ đồng và các chi phí khác. Thời gian thực hiện dự án là 500 ngày (kể từ ngày 26/10/2022 đến 9/3/2024). Dự án nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế của tỉnh, góp phần giảm tải lượng bệnh nhân chuyển lên các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm môi trường làm việc đạt chuẩn cho đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện.

Bệnh viện Đa khoa Long An đang được cải tạo

Bệnh viện Đa khoa Long An đang được cải tạo

Đồng thời, các công trình cơ quan khối Nhà nước cũng được nâng cấp, vừa bảo đảm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, vừa phục vụ, giải quyết tốt hơn công việc liên quan của người dân.

Theo ông Trần Bá Phước, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Long An: Năm 2023, UBND tỉnh giao Ban Quản lý làm chủ đầu tư nhiều dự án liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, trụ sở các cơ quan. Ban chủ động các phương án, kế hoạch chi tiết và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện, bảo đảm chất lượng, sớm đưa vào sử dụng đúng mục đích. Hàng tuần, ban đều tổ chức họp giao ban để xử lý các công việc phát sinh tại công trường.

"Hiện các công trình do ban làm chủ đầu tư cơ bản triển khai theo kế hoạch. Các đơn vị thi công đều cố gắng bảo đảm tiến độ để dự án sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng theo kế hoạch", ông Trần Bá Phước thông tin thêm.

Lượt xem: 5
Tác giả: Hoàng Lân - Anh Đào
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...