• :
  • :

Đầu tàu kinh tế của Việt Nam và những thách thức để trở thành trung tâm tài chính quốc tế

Đây là trung tâm kinh tế, văn hoá - du lịch, giáo dục - khoa học kỹ thuật - y tế lớn của cả nước, là đầu tàu, động lực có sức lan tỏa lớn cho cả nước.

Vị trí chiến lược quan trọng của TPHCM

TPHCM là đô thị đặc biệt, cửa ngõ quan trọng kết nối vùng Đông Nam Bộ cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long và với khu vực, thế giới. Trung tâm thành phố cách bờ biển Đông 50 km đường chim bay. Đây là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh trong vùng và là cửa ngõ quốc tế.

TPHCM cách thủ đô Hà Nội gần 1.730km đường bộ, nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Ðông sang Tây, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á.

Trình độ kinh tế - xã hội phát triển của TPHCM cao nhất cả nước, là trụ cột của nền kinh tế quốc dân, có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.  Quy mô dân số, lao động, đất đai và hệ thống đô thị lớn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển đô thị hướng tới một siêu thành phố bền vững trong tương lai. Kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và xã hội đã và đang được đầu tư theo hướng hiện đại và đồng bộ.

Thành phố là trung tâm tài chính ngân hàng lớn nhất Việt Nam, dẫn đầu cả nước về số lượng ngân hàng và doanh số quan hệ tài chính - tín dụng.

Đầu tàu kinh tế của Việt Nam và những thách thức để trở thành trung tâm tài chính quốc tế- Ảnh 1.

Loạt thách thức trên con đường phát triển

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Việt Nam đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Tuy nhiên, con đường này không phải trải hoa hồng, thành phố đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn thách thức.

Theo thông tin từ Hội thảo tham vấn quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tiềm năng, thế mạnh, các đột phá, sáng tạo của TPHCM chưa được khai thác một cách hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, kỳ vọng vượt trội, vai trò đầu tàu, động lực dẫn dắt với cả vùng và cả nước đang có chiều hướng suy giảm.

Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chậm thay đổi, sự chuyển đổi chưa bắt kịp với các xu hướng, thời cơ phát triển mới của thời đại. Chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động vào tăng trưởng của Thành phố thấp hơn trung bình cả nước. Trình độ lao động ở mặt bằng chung còn thấp; nhóm có thu nhập bình quân cao chỉ chiếm 5%. Tỷ lệ lao động phi chính thức còn cao.

Tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm dần; cơ cấu nội bộ của ngành công nghiệp còn lạc hậu, dựa nhiều vào ngành thâm hụt lao động, dịch vụ chủ yếu dựa vào thương mại, vận tải, các ngành có giá trị gia tăng cao như tài chính, y tế, giáo dục, du lịch chưa đóng được vai trò chủ đạo.

Đầu tàu kinh tế của Việt Nam và những thách thức để trở thành trung tâm tài chính quốc tế- Ảnh 2.

Một khu công nghiệp tại TPHCM

Tổ chức không gian phát triển còn nhiều bất cập, chưa tạo lợi thế phát triển nhanh và bền vững; nhiều hạ tầng và không gian phát triển khu công nghiệp còn hạn chế; việc thu hút đầu tư và liên kết nội vùng, liên vùng giữa Thành phố với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế khác của cả nước còn nhiều bất cập, hạn chế; chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, nội lực của các địa phương. Từ đó, tính dẫn dắt và lan tỏa của trung tâm kinh tế lớn, hàng đầu của cả nước đối với các địa phương và các vùng xung quanh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng. Lợi thế cửa ngõ quốc tế của Thành phố sẽ suy giảm dần.

Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế, cấu trúc không gian đô thị chưa phù hợp với đô thị lớn và siêu thành phố trong tương lai, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của khu đô thị ven sông, hướng biển.

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng đô thị đang quá tải so với phát triển nhanh của dân số, chậm phát triển các hạ tầng khu đô thị, đặc biệt là hạ tầng ngầm. Các vấn đề về tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sự tập trung quá tải, đầu vào sản xuất tăng cao dẫn đến năng lực cạnh tranh bị suy giảm. Liên kết vùng chưa hiệu quả, chưa phát huy được vị thế, vai trò động lực, đầu tàu dẫn dắt sự phát triển kinh tế chung của vùng và cả nước.

Tình hình kinh tế - xã hội TPHCM trong tháng 1/2024

Trong tháng 1/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TPHCM đạt 103.241 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 24,4% so với cùng kỳ.

Tính từ ngày 1 - 20/12024, thành phố cấp phép thành lập mới 3.303 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 39.020 tỷ đồng, tăng hơn 30% về giấy phép và tăng hơn 117% về vốn so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI vào thành phố đạt 125,7 triệu USD, bằng hơn 70% so với cùng kỳ, trong đó, cấp mới có 80 dự án, tăng 60% so với cùng kỳ và vốn đăng ký đạt 23,8 triệu USD, bằng 27,4% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố tăng 26,9% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 2,76% so với cùng kỳ. 

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 19,8%; tổng doanh thu về du lịch ước tăng 57,4% so với cùng kỳ.

Tính đến hết ngày 12/1/2024, tổng số vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đã giải ngân hơn 45.865 tỷ đồng, đạt 67% so với kế hoạch vốn năm 2023 UBND thành phố giao và đạt 65% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Ước tính đến hết tháng 1/2024, giải ngân đạt hơn 49.417 tỷ đồng, đạt 72% so với kế hoạch vốn UBND thành phố giao và đạt 70% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

"Thành phố kết thúc tháng đầu năm mới với những con số khả quan hơn so với cùng kỳ, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống, các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, hy vọng đây là động lực tạo đà triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024", đồng chí Nguyễn Văn Dũng Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 2/2024 vừa qua.

Theo Pha Lê

Lượt xem: 7
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...