• :
  • :

Châu Âu 2022: Phép thử “giới hạn sức bền”

Năm 2022 là một năm đầy khó khăn với Liên minh châu Âu (EU) khi “lục địa già” phải đương đầu với vô vàn thách thức. Không chỉ là bài toán khôi phục kinh tế hậu Covid-19, EU còn phải đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, vòng xoáy trượt giá của đồng euro cũng như vấn nạn di cư.

Lần đầu tiên trong 20 năm qua, đồng euro đã giảm 0,7% xuống mức 1 euro chỉ bằng 0,9888USD trong phiên giao dịch trưa 5-9-2022 tại châu Á. Đây là lần đầu tiên đồng tiền này rớt giá xuống dưới mốc 0,99USD kể từ năm 2002. Cú “quay xe” lịch sử đã làm sống lại ký ức về những năm tháng đầy khó khăn khi đồng tiền chung châu Âu mới ra đời. Có rất nhiều lý do giải thích tại sao đồng euro trượt giá so với đồng USD, song nguyên nhân được nhắc nhiều nhất là những lo ngại của châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa đông.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã đẩy khủng hoảng năng lượng ở EU bước sang một giai đoạn mới. Nguồn cung năng lượng bị đứt gãy khiến giá mặt hàng này tại EU liên tục lập kỷ lục. Giá khí đốt tại EU cao gấp 6 lần, giá điện cao gấp 15 lần kể từ đầu năm 2021, còn hóa đơn khí đốt và điện của các hộ gia đình trên khắp châu Âu tăng gần gấp đôi so với một năm trước. Giá năng lượng “điên đảo” khiến giá hàng hóa leo thang không ngừng, dẫn đến lạm phát cao ở nhiều nước EU, buộc các ngân hàng trung ương phải siết chặt chính sách tiền tệ, kéo theo nguy cơ suy thoái kinh tế. Không chỉ vậy, cuộc khủng hoảng năng lượng cũng đang dần “bào mòn” ngành công nghiệp châu Âu.

Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin (Đức). Ảnh: AFP/TTXVN 

Sức ép từ giá nhiên liệu tăng cao được ví như phép thử “giới hạn sức bền” của EU, buộc các nước thành viên phải tìm cách củng cố chính sách năng lượng quốc gia trước khi mùa đông đến. Nhiều kế hoạch "nóng" cho mùa đông lạnh đã được tung ra, như tăng cường tích trữ, giảm tiêu thụ, hồi sinh năng lượng hạt nhân, duy trì hoặc khôi phục hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than hay áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga... với mục đích giải quyết tình trạng lạm phát, giữ giá năng lượng ổn định.

Những kế hoạch trên đã vấp phải sự hoài nghi từ nhiều phía, đồng thời làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia đầu tàu EU là Đức và Pháp. Lần đầu tiên vào giữa tháng 10-2022, Pháp bắt đầu gửi khí đốt trực tiếp đến Đức. Đằng sau biểu tượng đoàn kết mạnh mẽ này là một cuộc tranh cãi ở quy mô châu Âu về việc giới hạn giá khí đốt, tức áp mức trần với giá khí đốt nhập khẩu. Đức-nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đặc biệt sử dụng nhiều năng lượng-phản đối cơ chế này vì lo ngại rằng những người bán khí đốt sẽ quay sang các thị trường khác nếu EU áp đặt mức giá trần cho sản phẩm của họ. Trong khi đó, Pháp và 14 quốc gia thành viên EU khác lại ủng hộ việc này. Một phép thử khó khăn đối với sự đoàn kết vốn không phải lúc nào cũng dễ dàng đạt được trong EU.

Nhìn từ bên ngoài, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu cũng phơi bày việc EU bị mắc kẹt trong quan hệ Nga-Mỹ. Ngay từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cuối tháng 2-2022, EU có chung quan điểm với Mỹ, ủng hộ, sẵn sàng cung cấp vũ khí, đạn dược và thông tin tình báo cho Kiev. Tuy nhiên, Washington đã đi nước cờ khôn ngoan hơn khi đẩy EU lên tuyến đầu, biến khu vực châu Âu trở thành chiến trường không chỉ trên thực địa Ukraine mà còn là cuộc đối đầu trực tiếp giữa EU và Nga. Quan hệ EU-Nga vốn từ lâu đã "cơm không lành, canh chẳng ngọt", giờ đây càng căng thẳng hơn bao giờ hết. Việc hai bên trả đũa nhau bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế không chỉ khiến cuộc khủng hoảng năng lượng leo thang, mà còn khiến đời sống người dân hai nước ngày càng khó khăn do thiếu hụt lương thực và giá cả hàng hóa tăng phi mã. Trong khi đó, việc Moscow đóng cửa “Dòng chảy phương Bắc 1” làm gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt sang EU lại mang tới cơ hội xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ.

Ở bên kia bờ biển Manche, sự ra đi của Nữ hoàng Anh Elizabeth II là một khoảng lặng trong một năm đầy biến động ở xứ sở sương mù. Trong khi các nền kinh tế châu Âu đều chịu ảnh hưởng của cuộc chiến ở Ukraine, nước Anh còn phải hứng chịu thêm tác động sâu rộng của Brexit. Cuộc “ly hôn” giữa Anh và EU đã làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này. Lý do lớn nhất khiến nền kinh tế Anh chịu nhiều tác động tiêu cực là sau Brexit, nước này chưa ký được các thỏa thuận thương mại quốc tế lớn nào để bù đắp vào khoảng trống của mậu dịch với EU.

Cũng trong năm 2022, chính trường Anh đã trải qua sự xáo trộn lớn khi có tới 3 đời thủ tướng. Thủ tướng Boris Johnson, người có công dẫn dắt Đảng Bảo thủ giành chiến thắng lịch sử trong cuộc tổng tuyển cử cuối năm 2019, đưa Anh chính thức rời EU từ 23 giờ ngày 31-1-2020... đã mất chức sau thông tin ông tổ chức tiệc Giáng sinh cho bạn bè tại dinh thự số 10 phố Downing trong khi các quy định hạn chế tiếp xúc nhằm phòng, chống dịch Covid-19 vẫn còn hiệu lực. Thủ tướng kế nhiệm Liz Truss cũng kết thúc nhiệm kỳ chỉ sau 6 tuần cầm quyền đầy biến động, trở thành thủ tướng có thời gian tại vị ngắn nhất trong lịch sử xứ sở sương mù. Sai lầm của bà Truss là đã “kê nhầm đơn thuốc” tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế. “Liều thuốc” phản tác dụng, gây xáo động thị trường, đẩy đồng bảng Anh lao dốc không phanh, buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp khẩn cấp bằng chương trình mua trái phiếu chính phủ trị giá 65 tỷ bảng để cứu thị trường tài chính. Bị mất niềm tin vào năng lực lãnh đạo, xử lý khủng hoảng, “nữ chiến binh” Truss buộc phải nói lời từ chức, dù trước đó bà tuyên bố “không là người bỏ cuộc”.

Việc ông Rishi Sunak giành được chức Thủ tướng Anh vào tháng 10-2022 được xem là đỉnh điểm của một giai đoạn hỗn loạn. Cách tiếp cận ít phô trương, nói ít, làm nhiều của ông Sunak trong việc điều hành Chính phủ đã giúp nước Anh tạm ổn vào những tháng cuối năm, nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng các sự kiện năm 2022 đã thay đổi hoàn toàn nền chính trị Anh.

Thực tế cho thấy, không chỉ thời gian trôi nhanh mà suy nghĩ của người dân châu Âu cũng đang thay đổi nhanh chóng. Tất cả cuộc khủng hoảng diễn ra trong vòng một thập kỷ vừa qua, từ nợ công, tị nạn, Brexit, đại dịch Covid-19 và hiện tại là khủng hoảng năng lượng cho thấy EU rất dễ lâm vào tình trạng tê liệt khi rơi vào các cuộc mặc cả lợi ích.

Mùa đông 2022 đang trôi qua nhưng không đồng nghĩa với việc khủng hoảng năng lượng cũng kết thúc. Thậm chí, bức tranh năng lượng u ám được dự báo sẽ tồn tại dai dẳng ở châu Âu. Cho đến thời điểm này, việc tìm ra “giới hạn sức bền” cho bài toán năng lượng vẫn là vấn đề nóng nhất trong mùa đông lạnh giá ở châu Âu và cả những giai đoạn tiếp theo.

LINH OANH

Tags: châu Âu
Lượt xem: 4
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết