• :
  • :

Bao giờ hàng hóa giảm giá theo xăng, dầu?

Giảm giá xăng, dầu được coi là chìa khóa then chốt giảm áp lực tăng giá lên các mặt hàng thiết yếu cũng như hạn chế hiệu ứng tăng giá dây chuyền đến các mặt hàng khác. Tuy nhiên, điều nghịch lý hiện nay là, khi giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm 5 lần liên tiếp với mức giảm tới 6.000-7.000 đồng/lít thì giá cả hàng hóa vẫn neo ở mức cao.

Cần độ trễ nhưng không thể hàng tháng

Giá hàng hóa, lương thực, thực phẩm vận hành theo cơ chế thị trường nên để điều chỉnh giá, các doanh nghiệp, nhà sản xuất sẽ phải mất thời gian định giá và có độ trễ nhất định. Tuy nhiên, đến nay, khi xăng trải qua gần hai tháng giảm giá (tương đương 5 phiên điều chỉnh giảm giá liên tiếp, 1 phiên giữ nguyên giá), giá một số hàng hóa, dịch vụ vẫn không có xu hướng giảm. “Giá xăng giảm mạnh nhưng đi chợ, giá rau xanh, đồ khô... chỉ giảm nhẹ; giá thịt lợn, thịt bò, cá, tôm có khi còn cao hơn. Còn tại hệ thống siêu thị, rất ít nơi giảm giá bán hàng, phần lớn chỉ thực hiện chương trình khuyến mãi”. Đây là phản ánh của nhiều người tiêu dùng ở Hà Nội. Khảo sát của phóng viên tại các chợ đầu mối cũng như các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, nguồn cung hàng hóa rất dồi dào nhưng nhiều mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng vẫn giữ nguyên mặt bằng giá mới. Người tiêu dùng thắc mắc, “độ trễ giảm giá không thể là hàng tháng hay mấy tháng được. Đến bao giờ hàng hóa mới giảm giá theo giá xăng?”.

Cước vận tải tăng nhanh theo giá xăng, dầu nhưng giảm có độ trễ cũng là ví dụ điển hình trong việc “dễ tăng, khó giảm”. Sau khi giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm qua một số đợt thì giá cước vận tải lại giảm chậm hơn rất nhiều ngày. Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, những ngày gần đây, hầu hết các hãng taxi tại Hà Nội đã thực hiện điều chỉnh giảm giá cước. Trung bình, cước taxi ở mức 14.500 đồng/km (tương đương với thời điểm đầu năm 2022 khi giá xăng khoảng 23.000 đồng/lít). Nhìn nhận các doanh nghiệp taxi rất e ngại điều chỉnh giá cước bởi tốn kém chi phí, ông Nguyễn Công Hùng cho biết, ngoài các thủ tục về kê khai giá cước, gửi báo cáo về cơ quan quản lý tại địa phương, điều chỉnh bảng niêm yết giá, vấn đề phức tạp nhất với các hãng taxi là điều chỉnh đồng hồ tính cước trên xe. Với chi phí khoảng 150.000 đồng/xe cho mỗi lần điều chỉnh, doanh nghiệp sẽ tốn khoản tiền không nhỏ. Do vậy, đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội mong muốn đơn vị kinh doanh vận tải được chủ động trong việc quản lý, điều hành, bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, hành khách; nếu để mức giá quá cao sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay.

Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, một số nhà xe đã thực hiện giảm giá vé, tuy nhiên, mức giảm chưa về mốc đầu năm 2022 khi xăng, dầu bước vào các đợt tăng giá mạnh. Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (đơn vị quản lý hãng xe Sao Việt) cho biết, giá cước tuyến Hà Nội-Lào Cai của hãng hiện là 280.000 đồng/người/lượt, tăng 40.000 đồng (tương đương khoảng 16%) so với trước đây. Đây là mức giá điều chỉnh từ tháng 3-2022, khi giá xăng khoảng 25.000 đồng/lít, sau đó liên tục tăng cao, chạm mốc gần 33.000 đồng/lít nhưng doanh nghiệp không điều chỉnh tăng giá vé.

 Người dân mua xăng tại cửa hàng xăng, dầu thuộc Tổng công ty Dầu Việt Nam. Ảnh: HIỀN ANH

Giải pháp nào để giá hàng hóa giảm theo xăng, dầu?

Việc giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn neo ở mức cao đã tác động không nhỏ đến đời sống của người dân, khiến nhiều người phải “thắt lưng buộc bụng”, nhất là đối với người lao động nghèo. Thông tin của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II là 6,6 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,38 lần khu vực nông thôn (8 triệu đồng so với 5,8 triệu đồng). Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý II là 7,5 triệu đồng. Lao động làm việc trong khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân là 8,4 triệu đồng, cao hơn 1,24 lần mức thu nhập bình quân của lao động ở khu vực nông thôn (6,8 triệu đồng). Có thể thấy, với mức thu nhập này, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” vẫn còn hiện hữu trước mắt với nhiều gia đình. “Với người làm nghề xe ôm công nghệ như tôi, nếu bây giờ không tăng ca, làm thêm thì không đủ tiền trang trải sinh hoạt gia đình, nhất là khi năm học mới của hai con đang đến gần. Đầu năm học sẽ là khoản tiền sách giáo khoa, tiền đồng phục học sinh”, anh Nguyễn Đức Long, phố Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội bộc bạch.

Lý giải vì sao giá xăng, dầu giảm mà giá các mặt hàng khác vẫn chưa giảm tương xứng, bà Đinh Thị Nương, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, giá xăng, dầu vừa qua có 5 đợt giảm liên tiếp sau 12 lần tăng giá. Mặc dù vậy, xăng, dầu cũng chỉ là một trong các yếu tố đầu vào, giá cả hàng hóa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động đan xen. Đó là tác động của mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ, giá nguyên vật liệu đầu vào khác cho sản xuất tăng trong một thời gian dài, nhất là nguyên liệu nhập khẩu vẫn còn ở mức cao, cộng thêm chi phí lao động và các chi phí khác tăng. Tất cả yếu tố hình thành giá đó làm cho giá cả hàng hóa tiêu dùng chưa thể đồng loạt giảm ngay sau khi giá xăng, dầu giảm mà cần có thời gian và cần thêm sự điều chỉnh giảm của giá nguyên liệu sản xuất khác.

Trước việc giá xăng, dầu giảm mạnh nhưng giá nhiều mặt hàng khác vẫn chưa giảm tương xứng, Bộ Tài chính đã có công văn về việc tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp bám sát những biện pháp quản lý, điều hành giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành tại địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát, nắm tình hình cân đối cung-cầu hàng hóa, dịch vụ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý; thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; kiểm soát chặt chẽ chất lượng, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. 

Liên quan đến các giải pháp kiểm soát giá cước vận tải, Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nắm tình hình cân đối cung-cầu hàng hóa, dịch vụ để chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường; kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.

MẠNH HƯNG - DUNG VIỆT

Tags: xăng
Lượt xem: 56
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết