• :
  • :

Bài 2: Khi cổ phiếu về với giá trị thực

Kể từ đầu tháng 4-2022, khi Chính phủ có những động thái quyết liệt nhằm làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán (TTCK) như: Siết nguồn vốn chảy vào thị trường; xử lý những cá nhân, doanh nghiệp có những hành vi trục lợi trên thị trường; xử lý những sai phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp… TTCK Việt Nam đã có cú lao dốc mạnh, giá trị thanh khoản từ trung bình 25-30 nghìn tỷ đồng/ phiên xuống còn 12-13 nghìn tỷ đồng/ phiên.

Hệ lụy của thị trường tăng trưởng “nóng”

Khi TTCK tăng trưởng “nóng”, các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư không chuyên được hưởng lợi trong ngắn hạn và lầm tưởng rằng, chứng khoán là một kênh đầu tư siêu lợi nhuận.

Thế nhưng, thị trường đã “sốt” thì ắt phải có thời điểm hạ nhiệt. Và, sự hạ nhiệt của thị trường tăng trưởng “nóng” thường kèm theo những hậu quả khôn lường. Tháng 3 và nửa đầu tháng 4-2022, những nhà đầu tư nhỏ, nhà đầu tư mới (F0), trước tình trạng “căng margin” (đòn bẩy tài chính) đã phải tự bán cắt lỗ, hoặc bán giải chấp. Hiệu ứng domino xảy ra trên toàn thị trường. Phiên giao dịch ngày 25-4, sắc đỏ bao trùm trên TTCK Việt Nam, hàng loạt mã cổ phiếu đầu cơ, vốn hóa lớn… giảm sàn. Đây là đợt bán giải chấp sâu hơn, lấn tới các nhà đầu tư lớn, vay nhiều. Chỉ 1 phiên giảm sâu ngày 25-4, riêng sàn HOSE vốn hóa đã “bay hơi” hơn 11,7 tỷ USD.

Lý giải về sự sụt giảm bất thường này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng là do các nhà đầu tư các nhân, nhỏ lẻ. Chỉ trong khoảng 1 năm (từ đầu năm 2021 đến đầu năm 2022), số lượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia TTCK Việt Nam đã tăng gần 70% và chiếm đa số khối lượng giao dịch hằng ngày trên thị trường. Hơn thế, hầu hết những người mới tham gia thị trường đều có xu hướng thích mở tài khoản giao dịch ký quỹ với hy vọng kiếm được lợi nhuận nhanh chóng. Khi thị trường đảo chiều, việc các nhà đầu tư buộc phải bán các cổ phiếu liên quan đến cho vay ký quỹ tạo ra áp lực nặng nề, khiến các chỉ số đều rơi… không phanh.

Khách hàng giao dịch tại một sàn chứng khoán. Ảnh: TTXVN 

Một nhân tố khác liên quan đến bán tháo chứng khoán là một số doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu với mục đích dành cho việc phát triển bất động sản nhưng lại sử dụng tiền để tham gia TTCK. Khi cơ quan chức năng mạnh tay ngăn chặn tình trạng sử dụng nguồn vốn sai mục đích này khiến nhà đầu tư buộc phải bán cổ phiếu.

TTCK “rơi” sâu, trong nhiều nhóm cộng đồng các nhà đầu tư chứng khoán, hàng ngàn nhà đầu tư cho biết, đang ôm cổ phiếu bất động sản với mức lỗ từ 30%-50%. Những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu liên quan đến một số công ty có các cá nhân vướng vào lao lý vì thao túng TTCK phải “gồng lỗ" tới 45%-55% sau khi "đu đỉnh" ở vùng giá cao nhất. Thậm chí, vô số nhà đầu tư đã “cháy” tài khoản do sử dụng đòn bẩy tài chính.

Theo TS. Phạm Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Lạng Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, khi TTCK lao dốc thì những người dễ tổn thương nhất là những nhà đầu tư cá nhân. Một số người không thể chịu nổi áp lực khi bị thua lỗ đã có những hành động tiêu cực. Cũng theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, trong giai đoạn TTCK tăng trưởng “nóng”, điều cần thiết là Nhà nước cần có giải pháp phù hợp, vừa quản lý, định hướng thị trường tốt, vừa không gây hiệu ứng tiêu cực. Trong đó, mấu chốt là vấn đề minh bạch thông tin của thị trường để các nhà đầu tư ko mất niềm tin.

Ngày 26-5, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định". S&P nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam khi đánh giá nền kinh tế trên đà phục hồi trong bối cảnh Chính phủ gỡ bỏ hạn chế di chuyển trong và ngoài nước, tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát Covid-19. TS. Nghĩa tin tưởng với những tín hiệu kinh tế khả quan của nền kinh tế, thị trường sẽ mau chóng phục hồi và phát triển trở lại.

Quyết liệt lành mạnh hóa thị trường

Trước sự phát triển quá “nóng” của TTCK nói riêng, thị trường tài chính nói chung, Chính phủ đã có những động thái quyết liệt nhằm lành mạnh hóa lại thị trường, như: Ngân hàng Nhà nước siết nguồn vốn chảy vào TTCK, bất động sản qua nguồn vay nước ngoài; kiểm soát chặt chẽ các công cụ đòn bẩy tài chính của các công ty chứng khoán; xử lý những cá nhân, doanh nghiệp có những hành vi thao túng, đầu cơ trục lợi trên thị trường; xử lý những sai phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp…

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, đánh giá: “Tôi cho rằng, những hành động quyết liệt của Chính phủ là bước đi cần thiết để lành mạnh hóa thị trường khi có sự giám sát và loại bỏ dần các nhà đầu cơ không trung thực, thao túng các chỉ số. Quan trọng hơn cả là sự thiếu minh bạch đã khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường và thoái vốn do lo ngại rủi do và hiệu quả đầu tư yếu kém”.

Trong thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều biện pháp để quản lý và lành mạnh hóa thị trường, nhưng mức độ xử phạt và răn đe vẫn chưa tương xứng với hậu quả của các nhà đầu cơ, thao túng gây ra. Thậm chí có trường hợp là nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận phạt để vi phạm và trục lợi. Lý do đơn giản là mức sinh lời từ cổ phiếu lớn hơn nhiều lần so với mức phạt được luật pháp quy định. “Theo quan điểm của tôi, mức xử lý răn đe cần được tăng cường. Chúng ta có thể lấy ví dụ nếu nhà đầu tư vi phạm sẽ phải vừa nộp phạt và hoàn lại số tiền bán cổ phiếu trái phép, thậm chí là cấm tham gia giao dịch, kinh doanh chứng khoán”, đại biểu Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Lực lượng chức năng tới trụ sở Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt thực hiện việc khám xét. Ảnh: TTXVN 

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, các biện pháp giúp làm lành mạnh hóa và giảm thiểu đầu cơ của Chính phủ trên các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và TTCK đang được thực hiện, về mặt lâu dài sẽ có tác động tích cực. Dù vậy, vẫn chưa thể loại trừ các biến động ngắn hạn bởi đặc thù TTCK Việt Nam là nhóm nhà đầu tư cá nhân vẫn đang chi phối chính.

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải cũng nhận xét, việc “mạnh tay” của Chính phủ trong việc giảm các yếu tố tiêu cực trên TTCK trong thời gian qua là hoàn toàn hợp lý. Đây là sự khởi đầu tốt hơn cho TTCK Việt Nam và là tín hiệu cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng, Chính phủ cam kết đẩy mạnh làm trong sạch TTCK.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tags: qdnd
Lượt xem: 112
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết