• :
  • :

Vươn xa những sáng tạo từ thổ cẩm

Không chỉ xuất hiện trong phạm vi cộng đồng các dân tộc thiểu số hay những dịp lễ hội văn hoá, chất liệu thổ cẩm giờ đây là nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào cho các thiết kế thời trang, sản phẩm mĩ nghệ trang trí nội thất, quà tặng cao cấp. Điều này góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, làm mới sản phẩm công nghiệp văn hóa.

Từ bao đời nay, các tộc người thiểu số tự dệt vải, nhuộm vải hoàn toàn từ cây lá trong rừng, tự thêu tay và đến nay vẫn giữ được điều đó. Đặc biệt, mỗi tấm vải thể hiện cá tính, kinh nghiệm và sáng tạo khác nhau của chủ nhân, không trùng lặp. Do đó, khi ngắm nhìn những sắc màu thổ cẩm rực rỡ, ta không chỉ thấy được sự khéo léo của người nghệ nhân mà còn cả những tinh hoa trong lịch sử, văn hóa của một dân tộc. Từ những hình ảnh mang tính tín ngưỡng như vũ trụ, thần linh, cho đến đời thường như mặt trời, mặt trăng, hạt lúa, cây ngô (bắp), dòng sông, muông thú... đều được tái hiện qua từng sợi chỉ, mũi thêu.

Bộ sưu tập "Chúng ta yêu thổ cẩm" của thương hiệu Chula do vợ chồng nhà thiết kế Diego Laura Cortizas sáng lập. Ảnh: MINH ANH. 

Thổ cẩm đẹp, bền, độc đáo, song từng có một thời gian khá dài đứng trước nguy cơ mai một. Đáng mừng là hiện nay có rất nhiều nhà thiết kế tài năng cả trong và ngoài nước đang nỗ lực đưa thổ cẩm vào đời sống. Nhắc đến thời trang thổ cẩm, không thể không nhắc đến những tên tuổi đã theo đuổi chất liệu này lâu năm như các nhà thiết kế Minh Hạnh, Thương Huyền, Sĩ Hoàng, vợ chồng nhà thiết kế Tây Ban Nha Diego và Laura Cortizas, Vũ Thảo hay gần đây có Lý Quý Khánh, Thạch Linh. Nhiều nhà thiết kế trẻ khác, bao gồm cả các sinh viên chuyên ngành thiết kế tại nhiều trường đại học cũng quan tâm, tìm hiểu và tìm cách ứng dụng thổ cẩm. “Ngày càng có nhiều quần áo, nội thất, bàn ghế, rèm, thảm, kiến trúc sử dụng chất liệu, họa tiết thổ cẩm. Có thể nói, bây giờ đã có trào lưu”, nhà thiết kế Vũ Thảo nhận xét. Quả thật, thổ cẩm hoàn toàn có thể sánh đôi với nhiều chất liệu và loại hình sản phẩm khác nhau, không chỉ là trang phục.

Hợp tác xã dệt thổ cẩm Hợp Tiến (xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) là một điển hình của thành công trong khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, mà không chỉ dựa vào du lịch. Liên tục học hỏi, cải tiến mẫu mã, đa dạng hoá sản phẩm, tích cực giới thiệu tại các hội chợ trong nước và quốc tế, đồng thời giữ vững chất lượng và kể những câu chuyện truyền cảm hứng về văn hoá dân tộc, đó là những lý do thổ cẩm Lùng Tám được ưa chuộng. Vỏ gối, ga giường, chụp đèn, thảm, rèm, tranh tường, hoa vải... làm từ thổ cẩm của người Mông trở thành những tác phẩm nghệ thuật trang trí trong các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp hoặc homestay sinh thái; được xuất khẩu sang Mỹ, Đức, Canada, Italy, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc. Còn ở làng thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận), một cái nôi lâu đời khác của nghề dệt truyền thống, nghệ nhân Thuận Thị Trụ (Inrahani) đã dành hơn hai thập kỷ để sưu tầm, phục chế 30 hoa văn thổ cẩm Chăm cổ và cách điệu thêm khoảng 50 hoa văn mới, từ đó tạo ra gần 300 sản phẩm thổ cẩm ứng dụng, tạo việc làm cho hàng trăm phụ nữ nghèo tại địa phương và góp phần giữ “lửa” nghề dệt...

Chọn thổ cẩm là chọn một con đường khó, nhưng thật đẹp-nhiều nhà thiết kế có nhận định chung như vậy. Sử dụng thổ cẩm của các dân tộc thiểu số không chỉ đòi hỏi thời gian, công sức, chi phí cao, mà nhất thiết còn phải có sự nghiên cứu, tìm tòi, chọn lọc về văn hoá-lịch sử của từng tộc người để tránh những hiện tượng xung đột văn hoá, chiếm dụng văn hoá. Đổi lại, thổ cẩm Việt Nam khoe sắc ngày một rộng hơn, xa hơn, có thể khiến bất cứ ai trong chúng ta đều thấy tự hào.

HẢI LÂM

Tags: thổ cẩm
Lượt xem: 141
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết