Vì sao phải thắp hương bánh trôi, bánh chay vào Tết Hàn thực?
Theo quan niệm dân gian, ngày 3-3 âm lịch gọi là Tết Hàn thực. Vào ngày này, các gia đình Việt thường làm bánh trôi, bánh chay để dâng cúng tổ tiên.
Đây là dịp để con cháu hướng về cội nguồn thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Tết Hàn thực hay còn gọi là Tết bánh trôi, bánh chay, diễn ra vào ngày mùng 3-3 âm lịch hằng năm. Theo truyền thống của người Việt, vào ngày này, mọi nhà lại chuẩn bị mâm lễ cúng tết Hàn thực để dâng lên tổ tiên, trong đó không thể thiếu bánh trôi, bánh chay.
Tết Hàn thực bắt nguồn từ một truyền thuyết của Trung Quốc nhưng khi du nhập vào Việt Nam nó đã hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay, Tết tháng 3 của người Việt.
Vì sao phải thắp hương bánh trôi, bánh chay vào tết Hàn thực? Ảnh: Vietnamplus |
Khác với Tết Hàn thực ở Trung Quốc thường không đốt lửa trong 3 ngày và chỉ ăn đồ lạnh đã nấu sẵn trước đó, ở Việt Nam người dân không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn diễn ra bình thường.
Tục lệ ăn bánh trôi, bánh chay vào Tết Hàn thực ở Việt Nam được nhà nghiên cứu Trần Quang Dực cho là bắt đầu từ giai đoạn nhà Lê Trung Hưng (1533 - 1789).
Trong các ghi chép về văn hóa dân gian, Lê Quý Đôn cũng viết rằng: "Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3-3 thì làm bánh ấy”.
Ý nghĩa của bánh trôi và bánh chay trong Tết Hàn thực:
Việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Thứ nhất nó thể hiện cho văn hóa lúa nước. Cả hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, thành quả lao động vất vả mới có được để dâng lên ông bà, tổ tiên.
Ngoài ra, nó còn bắt nguồn từ tích truyện “bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ”. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển. Chính vì thế, Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất...
THANH HẢI