• :
  • :

Tranh biếm họa - tiếng cười trí tuệ từ ngôn ngữ tạo hình

Thuộc về thể loại mỹ thuật tạo nên tiếng cười, thực hiện thiên chức phê phán và góp phần hoàn thiện xã hội-biếm họa thường được nhắc đến là thể loại tranh khiến người xem “cười mà nghĩ”.

Thông qua hình ảnh và ý nghĩa cô đọng, tranh biếm họa tạo nên sự hài ước, hấp dẫn bởi sự hóm hỉnh nhưng lại ẩn bên trong một ý nghĩa sâu xa, miêu tả những mặt tiêu cực trong đời sống, thúc đẩy con người có hành động tích cực.

Một thể loại độc đáo

Tranh biếm họa được nhiều người cho là bắt đầu nhen nhóm xuất hiện từ thời kỳ Phục hưng châu Âu, được bắt đầu bởi Leonardo Da Vinci. Bộ tranh “Những chiếc đầu kỳ lạ” và bức vẽ “Nghiên cứu tính cách 5 người” là những tác phẩm tiêu biểu của ông thuộc thể loại này.

Sau quá trình hàng trăm năm âm thầm phát triển, sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, hình thức vẽ biếm họa bắt đầu cạnh tranh với nhiếp ảnh trên các tờ báo. Lúc này, tranh biếm họa không chỉ gây cười mà còn có vai trò như bình luận trực quan về xã hội và chính trị, xuất hiện những nhà biếm họa nổi tiếng như: Max Beerbohm, David Levine, Mort Drucker, Gerald Anthony, Albert Hirschfeld...

Công chúng tham quan triển lãm tranh biếm họa chủ đề “Phòng, chống tham nhũng” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức, tháng 11-2018. Ảnh: VI PHONG

Ở Việt Nam, tranh dân gian Đông Hồ có rất nhiều tác phẩm hàm chứa chất biếm họa mà nổi bật là các bức: “Đánh ghen”, “Hứng dừa”, “Thầy đồ cóc”, “Đám cưới chuột”... Đó là những bức tranh có hàm ý trào phúng, vui nhộn lại ẩn chứa đặc tính châm biếm hài hước, thậm chí còn đả kích về các mối quan hệ trong xã hội.

Người Việt Nam đầu tiên có tranh biếm họa được đăng báo chính là Nguyễn Ái Quốc với những tranh biếm họa đăng trên tờ “Người cùng khổ” xuất bản ở Pháp như: “Văn minh bề trên”, “Triển lãm thuộc địa”, “Vi hành”... Tất cả tranh ký tên Nguyễn Ái Quốc cho thấy rõ tác giả có một tinh thần tiến công rất chủ động, tranh có ảnh hưởng với bạn đọc Pháp cũng như phong trào yêu nước ở thuộc địa.

Thời Pháp thuộc, khi phong trào chống thực dân và phong kiến lên mạnh, báo chí phát triển, tranh châm biếm mới được sử dụng một cách rộng rãi để làm vũ khí đấu tranh, được phát triển và xem như một thể loại riêng. Nguyễn Gia Trí (bút danh Rigt) và Tô Ngọc Vân (Tô Tử) vẽ nhiều tranh biếm họa đầy góc cạnh, bày tỏ thái độ trực diện, được đăng nguyên cả khổ lớn trên trang bìa các tờ báo: Phong hóa, Ngày nay.

Lý Toét-Xã Xệ-Bang Bạnh đã trở thành bộ nhân vật điển hình xuất hiện trong biếm họa giai đoạn này. Họa sĩ vẽ tranh biếm họa tiêu biểu trước năm 1945 có thể kể đến Trần Mai Ninh (Nguyễn Thường Khanh). Ông thường dùng phương pháp so sánh để nêu bật sự vô lý, bất bình đẳng trong xã hội với các bức: “Cấm kêu ca về thuế” và “Em đói em khóc”.

Sau năm 1945, đội ngũ biếm họa đã hình thành khá dồi dào và có sức phản biện xã hội đáng kể, có thể kể ra những họa sĩ điển hình như: Phan Kích, Mai Văn Hiến, Nguyễn Nghiêm, Đặng Nhân, Lý Trực Dũng, Dzuy Minh, Phạm Tấn Phú, Nguyễn Bích, Chóe, DZím, Đốp, Ớt, Đan, Võ An Lai, Ngô Đình Chương, Trần Quyết Thắng, Trịnh Lập, Văn Nhân, Văn Thanh, Tín Nhượng, Phạm Trung Miên, Cò Lả, Sa Tế, LOG, Còm..., bên cạnh đội ngũ này, còn có lực lượng vẽ biếm họa nghiệp dư khá hùng hậu.

Còn nhiều tiềm năng phát triển

Báo chí ngày nay đã phát triển thành báo chí số, nhiều phương tiện số nhưng tranh biếm họa không mất đi. Bởi sức mạnh của tranh biếm họa nằm ở cách thức biểu hiện của nó.

Tranh biếm họa được đánh giá là một thứ “vũ khí sắc bén” trong làng báo chí bởi tính phản biện, đả kích sâu sắc trong từng nét vẽ. Những vấn đề nhức nhối, bất cập, thậm chí là nhạy cảm trong xã hội sẽ được phác họa và thể hiện một cách dí dỏm, gần gũi nhưng không kém phần nhân văn thông qua tranh biếm họa. Như thế, nó đồng thời cũng chính là những tư liệu lịch sử chân thực, sâu sắc về đời sống.

Mục đích chính của việc ra đời tranh biếm họa chính là để châm biếm thực trạng xã hội một cách hài hước. Thông qua đó, ta có thể hiểu được những vấn đề còn tồn tại trong xã hội. Bên cạnh đó, trong các bức tranh biếm họa thường pha thêm một chút đùa cợt và có các chi tiết chấm phá những vấn đề đáng lên án. Thế giới ngày nay đang trên đà phát triển về mọi mặt và kéo theo đó không chỉ là những điều tốt đẹp mà còn tạo ra những mặt trái, những thói hư tật xấu mới.

Trong các tranh biếm họa, có rất nhiều cảnh mà chúng ta thấy quen thuộc, hay có thể tìm thấy chính bản thân mình trong những nhân vật kia. Ngoài ra, tranh biếm họa còn được lồng ghép thêm cả nhiều câu chuyện ý nghĩa và những thông điệp nhân văn, kể cả những thông tin thời sự qua góc nhìn tích cực, vui tươi và hài hước. Trong cuộc sống thường ngày vốn có nhiều căng thẳng, mệt mỏi. Tranh biếm họa sẽ truyền tải một thông điệp tràn đầy năng lượng và những cảm xúc tích cực tới người xem thông qua những tác phẩm của mình.

Tranh biếm họa xét ở góc độ nào đó khá đa dạng về nội dung và phong cách thể hiện và đôi khi cũng không khắt khe trong yêu cầu về tạo hình, miễn là nó có thể truyền tải thông điệp, nên có khi một nhà báo hay một người ngoài ngành mỹ thuật vẫn có thể trổ tài. Tuy nhiên, trường hợp này cũng thuộc số ít. Trên thực tế, nếu để tranh đạt được nhiều tiêu chí cả về hình thức và nội dung, họa sĩ cần có kiến thức sâu về giải phẫu và tỷ lệ.

Kết hợp với khả năng nắm bắt thần thái và cường điệu hóa đúng nét riêng của nhân vật, họa sĩ bắt buộc phải mất nhiều năm rèn luyện để thuần thục kỹ năng này. Họ còn phải có nền tảng kiến thức sâu rộng để có thể khai thác triệt để đặc trưng của biếm họa như điển hình hóa, tượng trưng hóa. Tranh biếm họa, tranh đả kích là thứ vũ khí sắc bén, vũ khí tác động mạnh mẽ đến những đối tượng mà tranh phản ánh. Họa sĩ vẽ tranh biếm họa ngoài tài năng còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, dám nói lên những cái xấu, có cái nhìn mang tính xây dựng.

Là hình thức biểu đạt thông điệp bằng ngôn ngữ tạo hình, được thể hiện qua biểu tượng, ngôn ngữ dễ hiểu, dễ nhớ nên tranh biếm họa dần phổ biến trong cuộc sống. Nếu thể hiện những điều xấu với tinh thần phản ánh một cách gay gắt thì có thể sẽ phản tác dụng và khiến mọi người có suy nghĩ tiêu cực. Họa sĩ vẽ tranh biếm họa cần tìm kiếm cách thể hiện riêng, bảo đảm vừa giữ được sự ý nhị lại có thể tạo ra những phản ứng tích cực. Phản ánh các mặt trái trong xã hội với cách nhẹ nhàng, linh hoạt pha thêm một chút châm biếm để hướng đến hiệu quả tích cực nhất.

Tranh biếm họa có một sân chơi chuyên nghiệp và không ít họa sĩ theo đuổi cả cuộc đời với sở thích, sở trường này. Ngoài hình thức triển lãm, một số tác giả còn xuất bản sách biếm họa riêng như các họa sĩ: Lý Trực Dũng, Nguyễn Thành Phong trở thành một hiện tượng của truyền thông.

Gần đây, từ sáng kiến của Báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam), giải thưởng tranh biếm họa báo chí Việt Nam, mang tên cúp Rồng Tre đã được nhiều họa sĩ tham gia, số lượng tác giả đông đảo tham dự đã nói lên sự phấn khởi của các họa sĩ chuyên ngành vẽ biếm. Từ cuộc thi này đã xuất hiện những cái tên rất trẻ và bước đầu có thành tựu đáng ghi nhận như: LAP, Trung Liêm, LEO, Hoàng Đặng, Văn Thánh, Vĩnh Hữu, Méo, DAD, N9, DINGO... cho thấy sự phát triển ngày một lớn mạnh cho giới biếm họa.

Khởi điểm từ những hình vẽ biếm họa sơ giản trước đây, đến nay, Việt Nam đã có những tác phẩm biếm họa được thể hiện với kỹ thuật cao, có thể sánh ngang với biếm họa trong khu vực. Xu hướng trở thành họa sĩ theo hướng digital fulltime hay còn gọi là họa sĩ biếm họa hoạt hình như Anbecks (Thái Hà An) cũng là một hướng đi mà nhiều họa sĩ trẻ đang hướng tới. Hình hoạt họa sống động hay hoạt hình biếm họa cũng là một xu hướng được nhiều người yêu thích khi các họa sĩ đầu tư vẽ biếm họa cho cả một bộ phim bằng các hình ảnh liên tiếp. Không chỉ có ý nghĩa phản biện xã hội, hình hoạt họa sống động được tạo ra cho mục đích giải trí, thương mại, giáo dục...

Bên cạnh những ý nghĩa sâu sắc, bên cạnh tính “chiến đấu” mạnh mẽ thì các bức tranh biếm họa vui nhộn còn giúp người xem có được những tràng cười sảng khoái, những giây phút thư giãn nhờ hình ảnh, họa tiết mang tính gây cười với những ý nghĩa sâu sắc bên trong. Chính vì vậy, tranh biếm họa không những chỉ trên mặt báo, trên không gian mạng mà còn được sử dụng để trang trí trưng bày ở không gian công cộng thu hút sự chú ý của công chúng.

PGS, TS QUÁCH THỊ NGỌC AN - TS PHẠM PHƯƠNG LINH