• :
  • :

Điệu then giữa đại ngàn Tây Nguyên

Rời núi rừng Tây Bắc đến đại ngàn Tây Nguyên lập nghiệp, đồng bào dân tộc Tày, Nùng không quên mang theo cây đàn tính cùng những làn điệu then đặc sắc. Sau những giờ hăng say lao động, họ lại ngồi bên nhau tay đánh đàn, miệng luyến láy ngân vang làn điệu quê hương.

Với mong muốn kết nối những người có chung đam mê, Câu lạc bộ (CLB) Hát then, đàn tính tỉnh Đắk Lắk được thành lập với hơn 100 thành viên là người dân sinh sống tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Đây cũng là sân chơi âm nhạc bổ ích để các thành viên giao lưu, học hỏi, gìn giữ, lan tỏa nét đẹp quê hương; góp thêm bản sắc văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết của các dân tộc trên Tây Nguyên.

Thành viên Câu lạc bộ Hát then, đàn tính tỉnh Đắk Lắk thể hiện tiết mục truyền thống trong buổi lễ ra mắt.

Trong bộ trang phục truyền thống, các thành viên của CLB thay phiên nhau biểu diễn những tiết mục đặc sắc. Âm điệu, tiết tấu của đàn tính khi nhanh, chậm, lúc lên cao, khi trầm lắng, cùng lời then khi dìu dặt, tha thiết; lúc vui tươi, rộn ràng, dồn dập... khiến bao người nghe say đắm. Đặc biệt, ca từ trong bài hát giản dị, trong sáng, hàm chứa ý tứ thể hiện tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, yêu Bác Hồ...

Vì say mê làn điệu quê hương và mong muốn truyền lửa đam mê cho bà con, những năm qua, nghệ nhân Hoàng Văn Thụ ở thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) dành nhiều thời gian, tâm huyết sưu tầm các điệu then cổ, nhiệt tình chỉ dạy những ai yêu, thích học. Ông cũng đưa giai điệu đàn tính, hát then đi biểu diễn khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước và luôn cảm thấy tự hào khi mang làn điệu truyền thống quê hương đi giao lưu cùng những dân tộc anh em khác.

Nâng niu cây đàn tính, bà Nông Thị Hồng (70 tuổi) ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) chia sẻ, năm 1995, gia đình bà rời quê Cao Bằng vào tỉnh Đắk Lắk lập nghiệp. Những ngày đầu trên quê hương mới, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Mải lo mưu sinh nên tiếng đàn, điệu then cứ thưa dần. Chỉ dịp lễ, tết, bà con mới cùng nhau ngồi lại để đàn, hát.

“Từ thơ bé tôi đã gắn liền với điệu then và cây đàn tính. Rồi tôi nhờ mẹ và các chị trong nhà chỉ dạy cách đàn, cách hát. Cứ thế, làn điệu quê hương thấm đẫm, nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Điệu hát, tiếng đàn giúp chúng tôi vơi đi nỗi nhớ quê hương, gắn bó, làm giàu ở vùng quê mới. Để làm sống lại làn điệu truyền thống, chúng tôi quyết định lập nhóm sinh hoạt. Tối đến, chúng tôi ngồi lại với nhau, người nào biết đàn, biết hát thì hướng dẫn cho người chưa biết. Nhờ đó, ngày càng có nhiều người biết chơi đàn tính, biết hát then”, bà Hồng cho biết.

Bài và ảnh: PHƯƠNG KHÁNH

Tags: điệu then
Lượt xem: 2
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết