• :
  • :

Thiên hạ danh sơn

Võ Đang là dãy núi cao trùng điệp, kéo dài hàng trăm ki-lô-mét, từ xưa đến nay được xưng là “Thiên hạ danh sơn”, cũng là thắng địa Đạo giáo, một địa danh linh thiêng nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.

Núi Võ Đang còn được biết với tên gọi là núi Thái Hòa, núi Huyền Nhạc, nằm ở phía Nam TP Thập Yển, Tây Bắc của tỉnh Hồ Bắc, phía Bắc thông với núi Tần Lĩnh, phía Nam tiếp giáp với ngọn Ba Sơn.

Theo truyền thuyết ghi lại, hai chữ “Võ Đang” lấy từ câu: “Phi chân võ bất túc dĩ đang chi”, ý tứ là không phải chân võ thì không đủ tư cách để ở lại. Đa số tên gọi khác của núi Võ Đang đều có nguồn gốc từ Đạo giáo cùng với việc thờ phụng thần tiên. Từ cuối thời Đông Hán, sau khi Đạo giáo ra đời, núi Võ Đang được tôn là Tiên sơn, Đạo sơn, Trung Hoa Đạo giáo đệ nhất sơn.

Cung điện cổ Zixiao là trung tâm của Đạo giáo Võ Đang. Ảnh: @droga.dao 

Cảnh sắc thiên nhiên của núi Võ Đang tươi đẹp như một bức tranh thủy mặc. Toàn bộ danh thắng gồm 72 đỉnh, 36 hang, 24 khe, 11 động, 3 đầm, 9 suối, 10 ao, 9 giếng, 10 thạch, 9 đài. Đặc biệt là 72 đỉnh trổ lên từ mặt đất vô cùng hùng vĩ. Trong đó “Thiên trụ phong” là đỉnh chính, độ cao so với mực nước biển là 1.612m, vươn thẳng trong mây, được gọi là “nhất trụ kình thiên” (cột trụ chống trời).

Hiện tại về cơ bản, núi Võ Đang giữ được hệ thống kiến trúc đầu đời Minh, bảo tồn tương đối hoàn chỉnh như: Kim điện, Cổ đồng điện cùng 6 cung gồm: Tử Tiêu, Nam Nham, Vu Chân, Thái Hòa, Ngũ Long, Ngọc Hư; 2 quán gồm: Phục Chân, Nguyên Hòa. Phần lớn những kiến trúc này được xây dựng ở những nơi hiểm trở như đỉnh núi, sườn núi, hang động, khe... Ở kiến trúc cung quán, các vật được đúc bằng đồng hoặc điêu khắc bằng gỗ, đá đều có giá trị nghệ thuật rất cao. Vì thế mà được ca tụng là “đồng chú nghệ thuật bảo khố”.

Kim điện trên đỉnh Thiên trụ phong-đỉnh cao nhất của núi Võ Đang-được xây dựng vào năm Vĩnh Lạc thứ 14 đời nhà Minh (năm 1416). Đây là tinh hoa trong quần thể kiến trúc ở Võ Đang. Chiều ngang và chiều sâu của Kim điện đều có 3 gian, điện cao 5,5m, rộng 5,8m, sâu 4,2m, dát vàng, cấu kiện ráp mộng mà thành, là kiến trúc bằng đồng và vàng lớn nhất hiện còn ở Trung Quốc. Trong Kim điện thờ tượng Chân Võ Tổ Sư Đại Đế bằng đồng mạ vàng, nặng khoảng 10 tấn, hai bên có tượng Kim đồng bưng sổ, Ngọc nữ bưng ấn. Hai tướng Thủy Hỏa cầm cờ, bưng kiếm, góc cờ như lay động, bảo kiếm rút khỏi vỏ, thần thái rất sống động. Nền điện là bệ đá xây bằng đá hoa cương, xung quanh có lan can chạm khắc, rất trang nghiêm và rực rỡ.

Từ xưa đến nay, núi Võ Đang là nơi lý tưởng để các Đạo gia theo đuổi tiên cảnh. Các triều đại trong lịch sử Trung Quốc đều có người đến núi Võ Đang dựng am, dốc lòng tu luyện. Nhiều bậc đế vương đã lên núi Võ Đang cử hành nghi thức phong sơn. Năm 627-649, niên hiệu Trinh Quán triều nhà Đường, thế gian gặp phải đại nạn. Hoàng đế Đường Thái Tông đã phái người lên núi Võ Đang cầu mưa. Sau khi cầu mưa linh nghiệm, Hoàng đế đã “phong sơn”, xây dựng “Ngũ Long từ” trên núi Võ Đang. Thời Tống, Nguyên, các kiến trúc không ngừng được xây dựng tăng thêm.

Sau khi Minh Thành Tổ Chu Đệ lên ngôi, vào năm Vĩnh Lạc thứ 11 (năm 1413) đã cho người dân cùng thợ đến xây dựng công trình kiến trúc ở đây. Trải qua 10 năm, quần thể kiến trúc hùng vĩ hình thành, bao gồm: 8 cung, 2 quán, 36 am đường, 72 nham miếu, cùng với 39 cầu, 12 đình đài và “Thần đạo” lên núi được lát toàn đá xanh. Diện tích kiến trúc lên tới 160 vạn mét vuông và kéo dài hơn 70 cây số. Từ đó, núi Võ Đang trở thành trung tâm Đạo giáo của khu vực, hoàng đế các triều đại đều hết sức tôn sùng núi Võ Đang.

Ngày nay, quần thể công trình cổ của núi Võ Đang vẫn được gìn giữ khá nguyên vẹn. Năm 1994, ngọn núi này đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

TUYẾT SƠN

Tags: Trung Quốc
Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết