• :
  • :

Quán cà phê của người khuyết tật

Bà Maureen Stanko thường cảm thấy lo lắng đến mất ngủ khi nghĩ tới việc cậu con trai Nick sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp.

Nick năm nay 20 tuổi, mắc chứng tự kỷ, vẫn đang theo học phổ thông tại một trường ở bang Pennsylvania (Mỹ), nơi học sinh khuyết tật có thể tiếp tục đến trường cho tới năm 22 tuổi. Stanko cũng như nhiều bậc cha mẹ có con khuyết tật đều tỏ ra lo lắng về tương lai của con mình.

“Một đêm nọ, thao thức không ngủ được lúc 3 giờ sáng, tôi than vãn: Ôi trời, rồi chuyện gì sẽ xảy ra với thằng bé?... Tôi nhớ đến câu nói của cha tôi, rằng mỗi khi gặp vấn đề, hãy cầu nguyện rồi đứng dậy bắt tay vào hành động... Đó là lúc tôi chợt nghĩ, vẫn còn có quá nhiều thứ để cho đi”, Stanko nói với CBS News.

Quán cà phê So Much To Give Inclusive ở Cedars, bang Pennsylvania (Mỹ) có 80% nhân viên là người khuyết tật. Ảnh: CBS News 

Đem nỗi lo lắng chia sẻ với Tyler Kammerle, bác sĩ trị liệu của Nick, bà Stanko vô cùng mừng rỡ khi bác sĩ cho hay ông có kế hoạch mở một quán cà phê tuyển dụng người khuyết tật. Cùng với nhà từ thiện Kathy Opperman, họ lập thành một nhóm bắt tay vào hành động, để rồi hai năm sau, giấc mơ của họ đã thành hiện thực. Tháng 1-2023, quán cà phê kiêm quán ăn mang tên So Much To Give Inclusive khai trương tại Cedars, Pennsylvania. Trong số 63 nhân viên được tuyển dụng có tới 80% là người khuyết tật, họ đảm nhiệm các công việc như đón khách, chạy bàn, đầu bếp, rửa cốc chén...

Đây không chỉ là nơi làm việc mà còn trở thành không gian an toàn, nơi những người khuyết tật cảm thấy thoải mái khi dùng bữa. “Trước đây, tôi chưa bao giờ đưa Nick đi ăn nhà hàng bởi nó khá đắt đỏ và rất bất tiện với người khuyết tật, nó khiến chúng tôi căng thẳng... Giờ thì Nick đã quen thuộc với nơi này, nơi mà nếu nó có nhảy nhót hay la hét thì cũng không ai để ý hay dè bỉu”, bà Stanko chia sẻ.

Lauren Oppelts, một người khiếm thính làm việc tại quán cà phê với tư cách vừa là nhân viên phục vụ vừa là giáo viên dạy ngôn ngữ cơ thể. “Trước kia, nếu ai đó bảo tôi có thể đi làm phục vụ nhà hàng, tôi sẽ không tin. Giờ thì tôi đã trở nên tự tin hơn rất nhiều. Tôi biết nhiều bạn phục vụ ở đây, sự tiến triển của họ trong công việc thật đáng kinh ngạc”, Oppelts cho hay.  

Không dừng lại ở quán cà phê, bà Stanko và các đối tác còn mong muốn tạo ra một không gian học tập cho người khuyết tật. Họ vừa khai trương một cơ sở dạy âm nhạc, kỹ năng sống, nghề thủ công và các kỹ năng khác cho người khuyết tật. Sau tất cả, bà Stanko đã rút ra một điều: Cho dù là người bình thường hay người khuyết tật, ai cũng có rất nhiều thứ để cho đi.

MAI VŨ

Lượt xem: 8
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết