• :
  • :

Công trình tôn vinh Đạo Mẫu

Bảo tàng Đạo Mẫu, dự án được khởi xướng bởi nghệ sĩ Xuân Hinh, là một trong những công trình văn hóa đặc biệt.

Công trình này vừa giúp người thiết kế là kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hà đoạt giải thưởng Kiến trúc triển vọng tại Moira Gemmill Prize 2024. Trước đó, Bảo tàng Đạo Mẫu còn được tạp chí thiết kế và kiến trúc uy tín Domus (Italy) vinh danh là một trong 14 dự án tốt nhất thế giới năm 2023.

Nằm ở xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội, đây không chỉ là một bảo tàng mà còn là tác phẩm nghệ thuật kiến trúc hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại. Bảo tàng được xây dựng từ 5 triệu viên ngói cổ và hàng triệu viên gạch thất cổ. Nghệ sĩ Xuân Hinh đã dày công thu thập chúng từ khoảng 500 gia đình trên khắp Việt Nam trong vòng 3 năm. KTS Nguyễn Hà và đội ngũ của ARB Architects đã thiết kế bảo tàng này không chỉ để lưu giữ các hiện vật mà còn tạo ra một không gian trải nghiệm tâm linh cho du khách.

Một góc trưng bày của Bảo tàng Đạo Mẫu. Ảnh: TRIỆU CHIẾN 

Điểm nổi bật của bảo tàng là 5 tòa tháp (đã xây dựng 3 tòa) được xếp thủ công từ ngói và gạch cổ, dẫn dắt du khách qua một lối đi uốn lượn đến nơi trưng bày các hiện vật và tư liệu về tín ngưỡng thờ Mẫu. Mỗi tòa tháp không chỉ phản ánh kiến trúc địa phương mà còn tạo ra một hành trình tâm linh cho du khách khi họ tiến vào khu vực trưng bày chính của bảo tàng. Nguyễn Hà đã từ chối mong muốn ban đầu của Xuân Hinh về một con đường rộng lớn, thay vào đó là một lối đi nhỏ để giữ sự tĩnh lặng và cân bằng, thúc đẩy sự tập trung và suy ngẫm trong không gian tâm linh.

Khuôn viên bảo tàng rộng hơn 5.000m², được bao quanh bởi vườn vải thiều 50 năm tuổi, cùng một cái ao giúp tạo nên khung cảnh yên bình và hài hòa với thiên nhiên. KTS Nguyễn Hà cho biết, toàn bộ cây cối trong công trình đều được giữ nguyên hiện trạng, kết hợp cùng thiết kế kiến trúc mở, nhấn mạnh sự gần gũi với tự nhiên và tôn trọng các yếu tố môi trường tự nhiên như ánh sáng, gió...

Khu vực chính của công trình là phòng thờ Tam tòa Thánh mẫu, phòng thờ các tổ mẫu, linh từ và phòng trưng bày hiện vật với nhiều bức tranh, hoành phi, câu đối cùng các vật dụng cổ. Xuân Hinh cũng xây dựng một thư viện chứa những cuốn sách về các loại hình nghệ thuật dân gian, với mong muốn truyền dạy và bảo tồn văn hóa cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh các khu thờ cúng, bảo tàng còn có gian phòng tôn vinh phụ nữ Việt Nam hiện đại, trưng bày các đồ vật liên quan đến đời sống nông nghiệp và bếp núc. Ngoài ra, khuôn viên bảo tàng còn có ao, chum cổ và khu vực sinh hoạt gia đình như nhà ở, phòng bếp để phục vụ nhu cầu riêng của gia đình.

Hiện công trình đang được hoàn thiện nốt hai tòa tháp, cùng một số hạng mục. Khi hoàn thành và chuẩn bị được nhân lực, Bảo tàng Đạo Mẫu sẽ mở cửa đón khách tham quan.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc bảo tồn văn hóa dân tộc không chỉ là nhiệm vụ của các nhà quản lý văn hóa mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội. Công trình này của nghệ sĩ Xuân Hinh như một ví dụ điển hình về cách thức một quốc gia có thể gìn giữ và phát huy, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc thông qua một công trình kiến trúc và trưng bày đặc sắc.

Bên cạnh đó, bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ các hiện vật mà còn là không gian giáo dục. Đây sẽ là một kênh giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu sâu sắc hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu, hay rộng hơn là những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, qua đó góp phần bảo tồn di sản, thúc đẩy sự quan tâm và tôn trọng đối với văn hóa truyền thống.

HOÀNG VIỆT

Tags: Đạo Mẫu
Lượt xem: 5
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết