Lạp sườn truyền thống của một vùng miền núi
Cứ hễ vào dịp đầu tháng 9 Âm lịch, hàng chục hộ dân tại xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, lại tất bật làm lạp sườn để bán cho khách thập phương. Lạp sườn từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc của vùng đất này, đem lại trải nghiệm ấn tượng cho những người yêu thích ẩm thực truyền thống.
Kháng Nhật là một xã thuộc vùng núi của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, xưa nay là địa bàn sinh sống và làm việc của người dân tứ xứ đổ về. Bắt đầu vào mùa rét, khi thời tiết chuyển sang hanh khô, nơi đây lại nhộn nhịp sản xuất và cung cấp ra thị trường vài chục tạ lạp sườn mỗi tháng.
Lạp sườn từ lâu đã trở thành món ăn truyền thống của xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) |
Ghé thăm cơ sở sản xuất thủ công của nhà bà Trần Hiên, chúng tôi được tận mắt chứng kiến tất tật quy trình để làm ra 30kg lạp sườn, cung cấp ra thị trường mỗi ngày. Để có được lượng thành phẩm đó, bà Hiên cho biết, phải nhồi ít nhất từ 55-60kg thịt lợn tươi liên tục trong nhiều tiếng đồng hồ và qua rất nhiều công đoạn khác nhau.
Theo bà Hiên, phần thịt và mỡ để làm lạp sườn cần được chọn lọc rất kỹ càng, chủ yếu là thịt lợn mông và vai. Đặc biệt nhất, thịt phải có độ dẻo khi chạm tay, không chảy nước và không có mùi hôi. Phần thịt nạc có thể sử dụng máy thái công nghiệp, nhưng riêng mỡ lợn phải thái bằng tay trước khi tới công đoạn trộn thịt để nhồi vào lòng non. Lạp sườn tươi sau khi sấy sẽ đạt được trên 50%, áng chừng cứ 10kg thịt thì cho ra hơn 5kg thành phẩm khô.
Bà Trần Hiên mỗi ngày đều làm từ 55-60 kg thịt lợn tươi để cho ra 30-40kg thành phẩm lạp sườn khô, đáp ứng nhu cầu của khách hàng toàn quốc |
Bà Hiên cho biết: “Giá của mỗi 1kg lạp sườn là 200.000 đồng, mỗi ngày tôi bán được 30-40kg thành phẩm, nhưng có ngày cháy hàng. Một cân bán đi lãi khoảng 25.000 đồng, nhưng chúng tôi bán với số lượng lớn, có ngày lãi lên đến vài triệu đồng”.
Tương tự, bà Hoàng Thị Tính chia sẻ, bà chỉ bán cho khách quen ở Hà Nội và Sài Gòn mà tháng 12 vừa qua hơn 1 tạ lạp sườn khô đã được gửi đi, đem lại lợi nhuận vài triệu đồng. Ngày nào bà Tính cũng tự tay làm ít nhất 10kg lạp sườn sấy khô, đóng gói cẩn thận; có những hôm làm nhiều lên đến 25kg (từ 45kg thịt tươi) nhồi vào khoảng 10 kg lòng lợn non. Bà Tính nói: “Làm nghề lạp sườn đem đến thu nhập khá và cũng ổn định trong một mùa, có thêm một khoản để mua sắm cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới”.
Bà Hoàng Thị Tính đang tự tay thái mỡ lợn để tiến hành trộn thịt nhồi lạp sườn |
Hương vị tạo nên sự khác biệt cho lạp sườn của bà Hoàng Thị Tính nằm ở độ chua từ việc ủ lên men thịt. Bà Hiền chia sẻ, cho ra vị vào thịt sau đó ủ lên men đến khi nào giống như mùi mít chín. Một vài giờ sau đó mới được nhồi vào lòng non và cho vào lò sấy.
Sấy thịt đến khi héo khô, săn lại và có màu đỏ rực mà không cần dùng đến dầu điều đỏ (hay còn gọi là hạt cà ri - một loại gia vị giúp các món ăn có được màu sắc đẹp mắt hơn). Đây là công thức mà bà học của một người thầy gốc Trung Hoa trong một khóa học nấu ăn.
Để có thành phẩm là lạp sườn khô, công đoạn gác bếp sấy khô hoặc sấy lò rất quan trọng giúp món ăn lên được màu đỏ đẹp; nếu như nhiệt độ sấy không đều hoặc thời tiết quá nồm, lạp sườn rất dễ bị ôi thiu |
Ở xã Kháng Nhật, lạp sườn xuất hiện nhiều trên mâm cơm cúng của hầu hết các gia đình. Để chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán năm nay, ông Mã Nông Hợp đã làm khoảng 10kg lạp sườn theo phương pháp thủ công là phơi nắng và gác bếp. “Hầu như năm nào tôi cũng làm, có đợt làm thừa nhiều thì đem đi bán lấy lãi hoặc làm quà biếu anh em, họ hàng. Lạp sườn từ lâu đã trở thành một món ăn không bao giờ thiếu trong mâm cỗ Tết của nhà tôi”, ông Hợp nói...
Lạp sườn, còn gọi là lạp xưởng hoặc lạp xường là một món ăn mặn có xuất xứ từ Trung Quốc. Qua nhiều cách chế biến khác nhau, món ăn này ở mỗi địa phương lại có một hương vị riêng biệt. Tại xã Kháng Nhật, vị của lạp sườn mỗi gia đình một khác do đó hầu hết không có sự cạnh tranh về mặt khách hàng.
Lạp sườn có mùi hương rất thơm, vị béo ngậy từ thịt mỡ hòa quyện với phần thịt nạc |
Quy trình để làm ra một mẻ lạp sườn bắt đầu từ việc sơ chế lòng non. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, công đoạn làm sạch lòng non mất rất nhiều thời gian, lần lượt là: bóc lòng, lột phần dính và rửa sạch, cạo mạnh tay, sau đó bóp chung với muối hạt nhằm khử khuẩn, ngâm rượu trắng cho bớt mùi hôi, tiếp theo là thổi phồng trở lại rồi phơi ngoài nắng vài giờ đồng hồ.
Phần thịt và mỡ lợn khi được thái kỹ sẽ được trộn đều tay với gia vị gừng, tỏi, hạt nêm, bột ngọt, đường, nước mắm, hạt tiêu, rượu… Đặc biệt phải có hạt mắc khén - hương vị chủ đạo tạo nên mùi thơm thương hiệu của lạp sườn Tây Bắc. Bước tiếp theo là nhồi thịt vào lòng non, bóp thật chặt tay và dùng vật nhọn chọc để loại bỏ không khí trong đoạn lòng đã nhồi.
Lạp sườn tươi trước khi sấy khô sẽ được rửa lại với nước sạch, phơi nắng thêm 2-3 giờ sau đó sẽ quạt khô, ráo nước. Công đoạn cuối cùng là gác bếp hoặc sấy bằng lò cho đến khi thịt săn lại và có màu đỏ hồng. Lạp sườn những khúc dài sẽ được cắt ngắn và hút chân không, bảo quản ngăn đông tủ lạnh đến vài tháng, ở nhiệt độ phòng khoảng một tuần hoặc gác bếp củi từ 1-2 năm.
Lạp sườn tươi sẽ được rửa sạch và phơi nắng, hong khô trước khi đi vào công đoạn sấy nóng và đóng gói |
Chế biến lạp sườn đơn giản, chỉ cần rửa sạch, luộc sơ trong nước sôi và cho lên bếp rán với dầu nóng. Sau khi lạp sườn chín căng đỏ thì thái thành từng lát mỏng, ăn kèm với tương ớt hoặc nước mắm đều rất hợp khẩu vị.
Được biết, mỗi cân lạp sườn có giá thị trường là 200.000 đồng, lợi nhuận khoảng 25.000 đồng, nhưng nhiều hộ kinh doanh vẫn thu bội vì ngày nào cũng bán được từ 30-40kg.