• :
  • :

Làng hương truyền thống Văn Trai Thượng: Hương thơm từ thảo mộc

Nằm ở vùng chiêm trũng phía Trung Tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội, làng hương Văn Trai Thượng đã tồn tại gần 100 năm và ngày càng vươn lên khẳng định thương hiệu của riêng mình.

Làng nghề trăm năm tuổi

Cách trung tâm Hà Nội hơn 30km, làng nghề làm hương truyền thống của thôn Văn Trai Thượng tọa lạc tại một vùng đất yên bình với triền đê dài, những bãi bồi cỏ xanh mơn mởn đón nắng vàng ươm. Nơi đây vẫn giữ trọn những nét đơn sơ, mộc mạc và đượm tình làng nghĩa xóm của một làng quê Bắc Bộ.

Cổng chào làng nghề làm hương Văn Trai Thượng

Làng hương thôn Văn Trai Thượng đã tồn tại từ năm 1944. Theo các cụ phụ lão kể lại, ông Tạ Văn Nguyên (quê ở Thanh Oai) đã phát triển và truyền lại nghề cho ông Tạ Văn Nhiễu tại thôn Thượng, xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Theo truyền thống, giỗ tổ nghề sẽ diễn ra vào ngày 22-8 âm lịch hằng năm.

Từ đó đến nay, làng nghề được lưu giữ và nhân rộng rất mạnh, mang lại nguồn thu nhập quan trọng cho người dân của thôn nói riêng và toàn xã nói chung. Hiện trên địa bàn xã đã có hơn 50 hộ sản xuất hương, chiếm tới 1/4 số hộ của xã.

Hương thơm từ thảo mộc quý

Tới thăm cơ sở sản xuất hương Tuyết Trọng, hương thảo mộc dễ chịu lan tỏa đến khứu giác từ những bước chân đầu tiên. Đây là một trong những nơi làm hương truyền thống có tiếng nhất của thôn với quy mô 40 nhân công và gồm 2 nhà xưởng để quay hương, 1 xưởng để bắn hương và trộn bột, 1 xưởng để đóng gói thành phẩm và khoảng sân ngập nắng để phơi hương. Bên cạnh đó là các khu vực nhỏ lẻ để thợ quấn chỉ cho hương.

Khâu quấn chỉ cho hương thành phẩm

Để làm nên một nén hay một vòng hương, phải trải qua rất nhiều công đoạn. Các công đoạn chính có thể kể đến như: Trộn bột, quấn vòng hương (với hương vòng), bắt hương (với hương que), phơi hương, buộc chỉ và đóng gói thành phẩm.

 

Khâu đóng bao bì để xuất khẩu tại xưởng hương Tuyết Trọng

Hương tại thôn Văn Trai Thượng có mùi thơm đặc biệt dễ chịu bởi bột hương ở đây được làm hoàn toàn bằng thảo mộc tự nhiên, không ảnh hưởng tới sức khỏe. Thành phần để làm nên bột hương gồm các vị thuốc Bắc như: Đại hoàng, hương nhu, quế hồi, xuyên hương, bạch chỉ, độc hoạt, đan bì, đinh hương,... tất cả sẽ được tán nhỏ, trộn đều với bột keo bời lời để tạo độ kết dính.

Nhờ máy móc, công đoạn quấn hương trở nên năng suất và cho ra thành phẩm đẹp mắt hơn

Trộn bột được xem như là công đoạn quan trọng nhất, đòi hỏi kinh nghiệm từ những người thợ lành nghề. Thợ phải trộn cho thật đều tay, căn lượng nước đưa vào thật chuẩn, vì nếu khô quá thì hương không thể kết dính mà nếu ướt quá thì dễ mốc và hay tàn. Tùy vào hương que hay hương vòng mà người thợ sẽ có tỷ lệ và cách trộn khác nhau.

Đổi mới để phát triển

Để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao, quy trình sản xuất hương tại thôn Văn Trai Thượng nói riêng và toàn xã Văn Hoàng nói chung đã được đổi mới và nâng cấp.

“Trước chưa có máy móc, bắn hương phải làm thủ công hoàn toàn, phải nhúng và vẩy thuốc khô vào từng que hương bằng tay. Giờ đã có máy, đổ nước rồi bắn vào máy thôi. Xưa làm thủ công bụi lắm, gây khó chịu, không làm lâu được. Ở đây trang bị máy được chục năm nay rồi. Trước chưa có máy, một xưởng phải 8-9 người nhúng không ngơi, giờ chỉ cần 2 cái máy là đủ”, ông Nguyễn Văn Nhật (62 tuổi), thợ bắn hương tại cơ sở Tuyết Trọng kể lại.

 

Ông Nhật tỉ mẩn bắt những nén hương que vào máy

Ông tâm sự thêm, hiện con cái ông đi xuất khẩu lao động gần hết, vợ chồng ông ở nhà nhàn rỗi nên tới làm cho vui lại kiếm thêm thu nhập. Nghề làm hương có từ khi ông còn tấm bé, gắn bó với ông cho tới tận ngày hôm nay.

Những người thợ tại cơ sở làm hương Tuyết Trọng cho biết thêm, các cô dậy sớm từ 5 giờ sáng để tới xưởng làm, tranh thủ tới trưa nắng vàng để đem hương ra phơi. Hương ở đây phơi một nắng đã có thể thu vào để đóng hộp. Hôm nào thời tiết âm u hay có mưa, không đem ra sân phơi được thì hương sẽ được mang vào lò để sấy.

Thợ làm hương tận dụng ánh nắng và khoảng sân rộng để phơi hương

Tại đây, chính quyền địa phương cũng như các thương lái thường xuyên tới thăm hỏi, quan sát quy trình. Hương thành phẩm được bán cả trong nước và xuất khẩu rất nhiều, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Giữa nhịp sống bộn bề tại thành thị, làng hương thôn Văn Trai Thượng vẫn ẩn mình trong những rặng tre, con đê yên bình. Con người và cảnh sắc nơi đây cứ thế hòa quyện, bảo tồn và phát huy những nét đẹp truyền thống xưa cũ.

Bài, ảnh: THANH THẢO

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...