• :
  • :

Khắc họa vẻ đẹp cao quý sen Việt

Triển lãm “Nghệ thuật sen Việt 2023-Vẻ đẹp thuần khiết”, được Hồi đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UNESCO tổ chức tại Hà Nội đã mang đến những cảm xúc tích cực, làm động lực giúp mỗi người thưởng lãm thêm yêu cuộc sống, yêu con người, vượt qua mọi hoàn cảnh, lấy sức mạnh và yêu thương làm người bạn, người đồng hành thuần khiết, tô bồi ước vọng tương lai.

Sen được đề nghị coi là quốc hoa của Việt Nam. Sen cũng mang nhiều đặc tính hướng Phật. Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Trong các loài hoa, ít có loài hoa nào lại mang vẻ đẹp thuần khiết, tinh tế, thanh cao và có sức sống mãnh liệt như hoa sen. Có lẽ cũng vì vậy mà từ ngàn xưa trong lịch sử, hoa sen đã trở thành biểu tượng của tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam chúng ta. Với Phật giáo, hoa sen là biểu tượng tâm linh tối thượng. Hoa sen chỉ cho Phật tính vốn có trong mỗi con người, tâm thanh tịnh, sự thuần khiết. Biểu tượng cho trí tuệ và triết lý cao siêu của đấng giác ngộ”.

 Khán giả tham quan Triển lãm “Nghệ thuật sen Việt 2023-Vẻ đẹp thuần khiết”.

Hoa sen đẹp, mang nhiều ý nghĩa nhưng vẽ sen để hòa quyện và làm thanh tịnh tâm hồn lại không dễ. Có người nói rằng, vẽ sen không nên quá rực rỡ, bung tỏa bởi sen phải có chút kín đáo. Nhưng nếu vẽ sen, kể cả sen tàn mà thâm trầm, u uất thì cũng không đúng với khí chất của loài hoa này. Vì thế, vẽ sen tưởng dễ mà lại không hề đơn giản. 75 bức tranh về hoa sen trong Triển lãm “Nghệ thuật sen Việt 2023-Vẻ đẹp thuần khiết” của họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức mang đến cho người xem cảm giác thanh tịnh, làm đẹp tâm hồn. Bức tranh sơn dầu “Liên hoa tịnh cảnh” đưa người xem đến một đầm sen ngát hương với những bông sen hồng vươn lên tỏa hương, những nụ sen mới nhú, lá sen già cỗi bên những lá sen còn xanh tươi lấp lánh sương mai. Đầm sen trải dài tít tắp, xa xa là dãy núi mờ sương, không ranh giới giữa cây cỏ hoa lá và đất trời.

Tất cả cùng hòa nhập với một trạng thái phiêu diêu thoải mái, nhẹ nhàng, bình yên và tươi mới. Bức tranh như khắc họa cả một đời người và cuối cùng hướng Phật. Nếu “Liên hoa tịnh cảnh” là cả một đầm sen thì có những bức như “Có một tấm lòng” hay “Mưa sao băng” chỉ một bông sen giữa trời đất. Dẫu vậy, sen ở đó không mang nặng nỗi buồn cô đơn mà dành tâm trí để cảm đất trời, con người. Đến tham quan triển lãm, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương bày tỏ: “Những tác phẩm nghệ thuật này giúp mọi người hiểu hơn về hoa sen, gần gũi với hoa sen và yêu hơn các tác phẩm nghệ thuật văn hóa”.

Nói về tình yêu với hoa sen, họa sĩ Kim Đức chia sẻ: “Tôi yêu sen từ trong những câu chuyện cổ tích thần thoại, dường như từ khi có loài người thì đã có hoa sen. Biểu tượng về vẻ đẹp thánh thiện, khoan dung, thủy chung, kiên cường, cao quý đại diện cho quá khứ, hiện tại và tương lai tốt lành, hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc của thế giới loài người. Cũng như bao người Việt Nam khác, tôi luôn tự hào về các giá trị tiêu biểu, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của các ngôi chùa cổ trải dài khắp Việt Nam mà ở đó hình tượng sen là Phật. Các kiệt tác của lịch sử mỹ thuật của Việt Nam có thể kể đến như chùa Một Cột, tháp Cửu phẩm liên hoa, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Kim Liên, chùa Tây Phương, chùa Thầy... Hình tượng hoa sen thường được lồng ghép vào các chi tiết kiến trúc, trong các phù điêu đá tảng chân cột, bệ tượng và các họa tiết trang trí phong phú, lá sen là biểu tượng áo cà sa của nhà Phật cũng được khắc họa trong tác phẩm điêu khắc”.

Bài và ảnh: NHÃ NAM

Tags: sen Việt
Lượt xem: 9
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết