Định vị thương hiệu du lịch sen Hà Nội
Sở hữu nhiều đầm sen lớn, ẩn chứa bao giá trị văn hóa, lịch sử của mảnh đất ngàn năm văn hiến, Hà Nội đang nỗ lực xây dựng nhiều sản phẩm trải nghiệm sen...
Giới thiệu văn hóa và ẩm thực từ sen trong chương trình “Lãng du trong hồn sen” tổ chức tại số 18 phố Phan Bội Châu (phường Cửa Nam).
Độc đáo trải nghiệm sen Hà Nội
Nói đến hồ Tây, bên cạnh kho tàng truyền thuyết dân gian kì bí và hấp dẫn, không thể không nhắc đến loài hoa gắn bó lâu đời, góp phần hình thành nên nét văn hóa thưởng trà ướp sen lâu đời của người Hà Nội. Năm nay, khi các đầm sen Hà Nội vào mùa nở rộ, các sản phẩm trải nghiệm mùa sen tiếp tục được nhiều chủ đầm khai thác, thu hút hàng ngàn người đến tìm hiểu, khám phá.
Ông Chu Đức Trọng, chủ đầm sen “Ông Trọng” tại phường Tây Hồ chia sẻ, du khách đến đầm chủ yếu chụp ảnh, thưởng trà và tìm hiểu cách làm trà sen.
“Sen Hà Nội, đặc biệt là sen ở hồ Tây là loài sen Bách Diệp có bông lớn, cánh kép, hương thơm lâu, dùng để ướp trà, thành sản phẩm trà sen độc đáo, rất được ưa chuộng. Những năm gần đây, các hồ sen ở Hà Nội trở thành điểm đến trải nghiệm văn hóa thu hút không chỉ khách trong nước...”, ông Chu Đức Trọng thông tin thêm.
Là gia đình có truyền thống lâu đời làm nghề ướp trà sen tại phường Tây Hồ (trước kia là phường Quảng An), nghệ nhân Lưu Thị Hiền, chủ thương hiệu “Trà sen Hiền Xiêm” cho biết, những năm gần đây, sản phẩm trà sen tạo sức hút lớn với du khách, đặc biệt là khi nghề ướp sen Quảng An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Chúng tôi tiếp đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm. Hiện chúng tôi cũng đã nâng cấp các dịch vụ, tạo không gian thân thiện để phục vụ du khách”, bà Lưu Thị Hiền chia sẻ.
Theo UBND phường Tây Hồ, ngay khi ổn định bộ máy quản lý hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, phường sẽ tập trung xây dựng, triển khai Kế hoạch phát triển văn hóa, kinh tế trên địa bàn. Trong đó, những sản phẩm du lịch mùa sen ở khu vực hồ Tây sẽ tiếp tục được đầu tư hợp lý nhằm tăng sức hút cho du lịch Hà Nội.
Nâng tầm ẩm thực sen
Không chỉ có các hoạt động trải nghiệm, chụp ảnh với sen, làm trà sen, thưởng thức trà tại vườn, gần đây, rất nhiều cơ sở ăn uống trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng sản phẩm ẩm thực về sen, tạo nét độc đáo cho du lịch Thủ đô. Có thể kể đến việc Quán Ăn Ngon (số 18 phố Phan Bội Châu) tổ chức workshop với chủ đề "Lãng du trong hồn sen Hà Nội" vào cuối tháng 6 vừa qua. Tại chương trình này, du khách được nghe giới thiệu văn hóa sen Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, thưởng thức “Mâm sen Lãng Du” với các món ăn được nghiên cứu chế biến từ sen mang phong vị Hà Nội.
Tổng Giám đốc Công ty Phúc Hưng Thịnh (đơn vị chủ quản thương hiệu Quán Ăn Ngon) Phạm Bích Hạnh, bày tỏ, sen không chỉ là một loài hoa mà còn là một phần của văn hóa Việt Nam, gắn liền với mùa hè và những món ăn tinh tế, thanh nhã. Việc giới thiệu các món ăn từ sen không chỉ là cách tôn vinh hoa sen, mà còn nhằm xây dựng thương hiệu ẩm thực hấp dẫn cho du khách.
Trước đó, từ năm 2023, tại làng cổ Đường Lâm (phường Sơn Tây), cơ sở ẩm thực Bếp Làng đã duy trì mâm cỗ 13 món từ sen làng cổ. Bà Lâm Thị Na, chủ quán Bếp Làng cho biết: “Chúng tôi xây dựng sản phẩm cỗ sen với mục đích tăng trải nghiệm, thu hút du khách đến với làng cổ Đường Lâm vào mùa hè. Hiện nay, chúng tôi xây dựng thêm các gói tour trải nghiệm 1-2 ngày cho du khách như: Tham quan, check-in đầm sen, thưởng trà sen và thưởng thức ẩm thực cỗ sen”.
Mùa sen ở Hà Nội thường bắt đầu vào khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 và kéo dài khoảng 1-2 tháng. Với lợi thế có diện tích trồng sen lớn hơn 600ha nằm trên địa bàn nhiều xã, phường, Hà Nội đang có điều kiện rất thuận lợi để phát triển và định vị thương hiệu du lịch mùa sen, trở thành sản phẩm đặc trưng cho mùa hè.
Theo Phó Chủ tịch Chi hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa, để định vị du lịch sen Hà Nội thành sản phẩm mang tính đặc trưng cho Thủ đô, ngoài việc phát triển và mở rộng diện tích trồng sen, Hà Nội cần tổ chức định kỳ nhiều sự kiện quảng bá văn hóa về sen, xây dựng những sản phẩm trải nghiệm mới lạ, gắn với văn hóa, lịch sử vùng đất, nhằm tăng sức hấp dẫn đối với khách tham quan...
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội đang nỗ lực phát triển du lịch 4 mùa. Vì thế, việc xây dựng sản phẩm du lịch sen rất phù hợp với tiềm năng. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang đánh giá, Hà Nội có diện tích trồng sen lớn, có nhiều sản phẩm OCOP từ sen nên hoàn toàn có thể phát triển hiệu quả các sản phẩm du lịch về sen. Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng sản phẩm du lịch sen để tăng sức hút du khách vào mùa hè.