Ẩm thực của Dubai đang “bùng nổ mất kiểm soát“?
Bối cảnh nhà hàng "bùng nổ" ở Dubai đang thử thách giới hạn của mô hình tăng trưởng bằng mọi giá.
Nhà hàng Palm tự hào có nhiều sao Michelin hơn bất kỳ địa điểm nào khác ở Trung Đông. Ảnh: Shutterstock
Từ những chiếc bàn treo cho đến phòng chờ dưới nước, nhiều trong số khoảng 13.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm và đồ uống tại Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đã và đang làm mọi cách để thu hút khách hàng tại một trong những thị trường ẩm thực bão hòa nhất thế giới.
Nhà hàng phục vụ mọi khẩu vị của khách hàng theo ngân sách. Một số nơi phục vụ món cơm thập cẩm giá rẻ, trong khi những nơi khác sẵn sàng cung cấp các món ăn được phủ vàng.
Sự đa dạng ẩm thực theo nhu cầu du khách là cách mà tiểu vương quốc này đã và đang làm để thúc đẩy phát triển du lịch.
Cho đến nay, Dubai đã có nhiều nhà hàng trên đầu người hơn bất kỳ thành phố lớn nào, ngoại trừ Paris.
Trong bối cảnh nhiều nhà hàng đang bùng nổ ở thành phố này, mô hình tăng trưởng bằng mọi giá đang đặt ra câu hỏi về việc Dubai có thể duy trì tham vọng trong bao lâu?
Theo trang SCMP, giữa bối cảnh cạnh tranh rất khốc liệt, quá trình thực hiện thành công sẽ là chìa khóa phát triển.
“Đã qua rồi cái thời mà chỉ có hương vị ngon”, Kym Barter, Tổng Giám đốc của Atlantis The Palm, một khu nghỉ dưỡng nằm trên một quần đảo nhân tạo tự hào có nhiều sao Michelin hơn bất kỳ địa điểm nào khác ở Trung Đông, cho biết.
Những blogger ẩm thực Dubai luôn gây ấn tượng với hàng triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội.
Tại đây, để duy trì hoạt động, các nhà hàng sẽ phải chống chọi với giá thuê nhà cao và thu hút sự ủng hộ của nhóm người tiêu dùng đa dạng và khó tính trong thời gian dài.
Cứ 9 cư dân nước ngoài sẽ có một công dân Emirati ở Dubai. Hầu hết những người lao động trong khu vực tư nhân của thành phố là những người nhập cư theo hợp đồng tạm thời.
Theo thống kê, khách du lịch ở đây gấp 5 lần người dân địa phương và họ chi tiêu xa xỉ. Các chuyên gia tư vấn nhà hàng toàn cầu Aaron Allen cho biết du khách đến Dubai chi tiêu trung bình nhiều hơn gấp 5 lần so với những người đi du lịch đến Ả Rập Xê Út lân cận hoặc thậm chí là Mỹ.
Theo Torsten Vildgaard, Bếp trưởng điều hành tại FZN by Bjorn Frantzen, Dubai đang "đi đúng hướng" để trở thành thủ đô ẩm thực của thế giới.
Nhà hàng này có giá hơn 540 đô la Mỹ/người, và là một trong hai nhà hàng ở Dubai đạt ba sao Michelin vào tháng 5.
"Bong bóng" ẩm thực
Với mỗi tòa nhà cao tầng và khách sạn mới được chiếu sáng, một loạt các nhà hàng xuất hiện và cạnh tranh để giành khách hàng.
Sự tăng trưởng đó, một phần là bởi áp lực của các nhà đầu tư phát triển mở rộng tại Dubai, đã tạo ra thứ mà một số nhà phân tích cảnh báo là "bong bóng ẩm thực".
Sự mở rộng "điên cuồng" của ngành công nghiệp nhà hàng ở Dubai là một phần của sự thay đổi bức tranh ẩm thực trong khu vực.
Trong thời gian qua, các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh đã đổ hàng trăm tỷ đô la vào việc xây dựng các điểm đến du lịch nhằm thúc đẩy đa dạng hóa nền kinh tế .
Ví dụ, Ả Rập Xê Út có một dự án trị giá 500 tỷ đô la Mỹ: một thành phố tương lai công nghệ cao có tên là Neom.
Bên cạnh đó, để kích cầu du lịch, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã nới lỏng một số quy định mới như nới lỏng hạn chế đối với rượu bia cũng như các cải cách xã hội khác.
Sự phát triển nhanh chóng này cần phải nhìn nhận lại. Giới quan sát nhận định các nhà hàng ở Dubai có tỷ lệ kinh doanh thô lỗ cao, mặc dù chưa có tỷ lệ cụ thể về tình trạng đóng cửa.
Ở khu trung tâm thành phố và các khu vực trọng điểm khác, tiền thuê nhà hàng hàng năm có thể lên tới 100 đô la Mỹ cho mỗi foot vuông. Con số này ngang bằng với một số thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Mặc dù vậy, theo Bộ Kinh tế và Du lịch Dubai, tiểu vương quốc này đã cấp 1.200 giấy phép cho các chủ kinh doanh để mở các nhà hàng mới vào năm 2024.
Bàn trống vào giờ cao điểm là chuyện thường thấy, ngay cả ở những vị trí đắc địa. Các nhà quản lý cho biết một phần của vấn đề này là tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng.
Waseem Abdul Hameed, Giám đốc điều hành tại Ravi, một nhà hàng nổi tiếng do gia đình người Pakistan làm chủ cho biết: “Đôi khi tôi tự hỏi, ‘Mình có nên đến nhà hàng ngay bây giờ không, vì luôn trong tình trạng kẹt xe?’’.
Ông Hameed nói rằng nhiều chủ nhà hàng đã đóng cửa và phải chịu áp lực về biên độ lợi nhuận hẹp, khiến ngày càng phụ thuộc vào các ứng dụng giao hàng.