5 gia tộc giàu nhất thế giới năm 2022: Số 1 tài sản gấp hơn 1000 lần Elon Musk, Hoàng gia Qatar chỉ xếp thứ 3
Tài sản của riêng gia tộc giàu nhất thế giới còn lớn hơn tổng số tài sản của 10 hoàng gia giàu nhất thế giới cộng lại.
Năm 2022 là một năm quan trọng đối với Hoàng gia Anh, khi Nữ hoàng Elizabeth kỷ niệm 70 năm trị vì vào mùa hè. Ở Trung Đông, Hoàng gia Qatar thu hút sự chú ý trên toàn thế giới khi đăng cai tổ chức World Cup 2022.
Thế nhưng 2 Hoàng tộc này đều không nắm giữ vị trí đầu bảng trong danh sách các gia tộc giàu nhất thế giới năm 2022. Dưới đây là bảng xếp hạng 5 gia tộc Hoàng gia giàu có nhất thế giới do tạp chí SCMP tổng hợp.
1. Hoàng gia Saudi Arabia (Ả Rập Xê Út) – 1,4 nghìn tỷ USD
Đứng đầu bảng xếp hạng các gia tộc giàu nhất thế giới năm 2022 là hoàng gia Ả Rập Saudi. Vương quốc này là nơi sinh sống của gia đình hoàng gia giàu có nhất hành tinh - Gia tộc Saud. Nhà Saud đã cai trị Saudi Arabia từ năm 1744 và thậm chí còn đặt tên quốc gia theo họ của gia tộc. Vua Salman đã trị vì từ năm 2015 và được cho là có khối tài sản trị giá 18 tỷ USD, giúp ông trở thành thành viên hoàng gia giàu có nhất hành tinh.
Theo đó, Hoàng tử Alwaleed bin Talal được cho là thành viên hoàng tộc giàu có thứ hai của gia đình với giá trị tài sản ròng khoảng 16 tỷ USD. Hoàng tử đã tài trợ 1,9 tỷ USD Mỹ cho việc tiếp quản Twitter của Elon Musk.
Đại gia tộc giàu có này có đến hơn 15.000 thành viên, nắm trong tay tổng tài sản trị giá 1,4 nghìn tỷ USD - hơn gấp 1000 lần khối tài sản của tỷ phú giàu nhất hiện nay là Elon Musk (khoảng 219 tỷ USD - theo Forbes) và nhiều hơn GDP của Tây Ban Nha hoặc Úc.
Theo BuyShares, tài sản của hoàng gia Ả Rập vô cùng ấn tượng khi so sánh với các gia đình hoàng gia còn lại trong top 10. Cụ thể, tài sản của riêng gia tộc Saud còn lớn hơn tổng số tài sản của 10 hoàng gia giàu nhất thế giới cộng lại.
2. Hoàng gia Kuwait – 360 tỷ USD
Gia tộc Sabah đã cai trị Kuwait từ năm 1752 và được biết đến với những khoản đầu tư khổng lồ vào các công ty blue-chip lớn ở Hoa Kỳ. Gia đình hoàng gia Kuwait được cho là có khoảng 1.000 thành viên và hiện do Sheikh Nawaf Al-Ahmad Al-Sabah đứng đầu. Ông kế vị ngai vàng vào năm 2020 sau cái chết của người anh cùng cha khác mẹ là Sheikh Sabah IV Ahmad Al-Jaber Al- sabah.
Khối tài sản của gia tộc hoàng gia Kuwait ước tính trị giá 90 USD vào năm 1991, nhưng sau khi cổ phiếu tăng giá trị, hiện nay tài sản của gia tộc này đã đạt trị giá khoảng 360 tỷ USD.
3. Hoàng gia Qatar – 335 tỷ USD
Rất nhiều sự chú ý đang đổ dồn vào Qatar khi nước này đăng cai tổ chức Giải vô địch bóng đá thế giới FIFA World Cup khởi tranh vào tháng 11/2022. Dự kiến lượng du khách đến Qatar sẽ bùng nổ,thế nhưng vương quốc nhỏ bé này không phải nhờ vào World Cup mới nổi tiếng. Trước đó, sự giàu có của hoàng gia Qatar cũng là chủ đề bàn tán quen thuộc trên khắp thế giới.
Gia tộc Thani cầm quyền ở Qatar nắm giữ các khoản đầu tư vào bất động sản trên toàn cầu, bao gồm tòa nhà chọc trời Shard, Làng Olympic và cửa hàng bách hóa Harrods ở London (Anh), cũng như Tòa nhà Empire State ở New York (Mỹ).
Người đứng đầu hoàng gia Qatar là Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, vị quốc vương có tài sản riêng trị giá 2 tỷ USD. Ông cũng có các khoản đầu tư vào Ngân hàng Barclays, hãng hàng không British Airways (Anh) và công ty ô tô Volkswagen (Đức), nâng tổng tài sản của hoàng gia lên 335 tỷ USD. Ở tuổi 41, vị sheikh của Qatar hiện là quốc vương trẻ nhất thế giới và là một trong số 8.000 thành viên hoàng gia Qatar.
4. Hoàng gia Abu Dhabi, UAE – 150 tỷ USD
Hoàng gia Abu Dhabi là những người có cùng xuất thân với hoàng gia ở tiểu vương quốc láng giềng Dubai. Gia tộc này hiện đang cai trị 7 Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), bao gồm Abu Dhabi (đóng vai trò là thủ đô), Ajman, Dubai, Fujairah, Ras Al Khaimah, Sharjah và Umm Al Quwain từ năm 1793.
Khối tài sản ước tính trị giá 150 tỷ USD của gia đình hoàng gia Abu Dhabi phần lớn đến từ việc bán dầu từ những năm 1970. Lợi nhuận “kếch xù” đã biến vị sheikh (quốc vương, tù trưởng) quá cố của Abu Dhabi trở thành một trong những địa chủ giàu có nhất ở London.
Để so sánh, Phó Tổng thống, Thủ tướng UAE kiêm quốc vương Dubai, Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum, có tài sản giá trị khoảng 18 tỷ USD.
Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan, cựu Tổng thống của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất từ năm 2004 sau cái chết của chính cha mình, sở hữu mảnh đất trị giá 7,1 tỷ USD ở thủ đô nước Anh. Theo The Guardian, các bất động sản này mang lại hơn 200 triệu USD tiền thuê hàng năm. Vị Sheikh cũng tham gia tích cực vào việc quản lý những khoản tiền khổng lồ khi từng chủ trì Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi, trị giá khoảng 696 tỷ USD.
Sheikh Khalifa qua đời vào tháng 5 năm 2022 và Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan là người kế vị ông.
5. Hoàng gia Anh – 88 tỷ USD
Nữ hoàng Elizabeth đã đón Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm trị vì vào mùa hè tháng 6 năm 2022. Trước khi qua đời, Nữ hoàng Elizabeth là vị vua trị vì lâu nhất thế giới và là người đứng đầu duy nhất của gia đình hoàng gia giàu có thứ 5 trên hành tinh. Theo Forbes, gia đình hoàng gia Anh có tổng tài sản ròng trị giá 88 tỷ đô la Mỹ, trong đó tài sản cá nhân của nữ hoàng ước tính khoảng 470 triệu USD.
Phần lớn tài sản của nữ hoàng đến từ Trợ cấp Hoàng gia (Sovereign Grant), đây là một khoản tiền tài trợ cố định hàng năm từ chính phủ Anh. Ngoài sở hữu vương miện quý báu, hoàng gia Anh cũng nắm giữ nhiều bất động sản khác, bao gồm dinh thự đồng quê Sandringham ở Norfolk và lâu đài Balmoral ở Scotland.
Khối tài sản này đã giúp gia đinh của Nữ hoàng Elizabeth được xếp hạng cao hơn các gia đình hoàng gia Thái Lan và Brunei. Tuy nhiên, gia sản khổng lồ này vẫn chưa phải là “đối thủ” của một số gia đình hoàng gia khác đến từ Trung Đông.
(Theo SCMP)